Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Truyền thông để thế hệ trẻ yêu rừng như máu thịt

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 23/04/2021 17:07 PM (GMT+7)
Để thực hiện tốt Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, cần đặc biệt ưu tiên cho công tác phát triển giống cây lâm nghiệp.
Bình luận 0

Có những giống cây lâm nghiệp phải mất cả trăm năm

Xác định rừng là thành tố quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục Lâm nghiệp xác định, ưu tiên phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, trong đó chú trọng đặc biệt đến công tác giống lâm nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An, việc Chính phủ ban hành riêng một Nghị định chuyên đề cho giống cây lâm nghiệp là vô cùng cần thiết, bởi để phát triển kinh tế lâm nghiệp thì cần có chính sách chuyên biệt cho giống cây lâm nghiệp.

"Một trong những thành công của ngành nông nghiệp thời gian qua là do công tác giống nhưng làm giống lâm nghiệp còn khó hơn giống cây nông nghiệp gấp nhiều lần. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Truyền thông để thế hệ trẻ yêu rừng như máu thịt - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Nghị định 27/2021/NĐ-CP, Quyết định 523/QĐ-TTg và Quyết định 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chiều 23/4.

Giống cây nông nghiệp chỉ cần vài năm là có thể hoàn thành công tác khảo nghiệm để được công nhận giống nhưng với giống cây lâm nghiệp thời gian có thể phải tính bằng 10 năm, 20 năm, thậm chí là cả trăm năm. 

Ví dụ ở Nghệ An có giống thông "chóc"  (thông nhựa), người Pháp mang về trồng ở đất Nghệ An cả trăm năm mới khẳng định được hiệu quả của nó khi năng suất nhựa rất cao" – ông Lâm nói.

Đồng quan điểm, GS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhấn mạnh, phải ưu tiên một cách có trọng điểm cho khâu giống lâm nghiệp, vốn là lĩnh vực còn nhiều hạn chế của ngành.

"Chúng ta hoàn toàn có thể nhập khẩu công nghệ hiện đại từ nước ngoài để phục vụ sản xuất nhưng phải làm chủ trong lĩnh vực giống lâm nghiệp. Bài học thất bại của cây phong lá đỏ trên đường phố Hà Nội vẫn còn đó, chúng ta nhập giống ở nước ngoài về nên không phù hợp, kết quả là cây chết khô" – ông Chứ nói.

Truyền thông cho giới trẻ về tình yêu rừng

Phát triển kết luận Hội nghị triển khai Nghị định 27/2021/NĐ-CP, Quyết định 523/QĐ-TTg và Quyết định 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chiều 23/4/2021, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, rừng là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, có cây tầng cao, cây tầng thấp, cây bụi, tất cả nương tựa, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

"Với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), chúng ta hy vọng trong 10 - 15 năm tới, sẽ chứng minh cho thế giới thấy Việt Nam phát triển rừng một cách bền vững" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Để thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích trồng cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Truyền thông để thế hệ trẻ yêu rừng như máu thịt - Ảnh 2.

Chú trọng nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp là một trong những giải pháp thực hiện tốt Đề án 1 tỷ cây xanh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ trồng một tỷ cây xanh quốc gia; tổ chức rà soát, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về giống cây trồng lâm nghiệp và lâm sinh để hướng dẫn các địa phương thực hiện.

"Làm sao để con cháu chúng ta được hưởng màu xanh từ rừng, tạo ra một Việt Nam xanh" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có một tư duy khác biệt, vì sự thay đổi của thế giới diễn ra hàng ngày hàng giờ, do vậy, trong các mối quan hệ thương mại với thị trường, chúng ta cần chứng minh cho thế giới thấy, chúng ta có nền lâm nghiệp có trách nhiệm, không chỉ theo đuổi mục tiêu kinh tế mà cân bằng giữa kinh tế với mục tiêu về môi trường, xã hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, dù nguồn lực của Nhà nước còn có hạn cho hỗ trợ phát triển rừng nhưng nên có một tư duy mới, không phải chia đều chiếc bánh ngân sách mà làm sao cho nó nở ra để phục vụ mục tiêu phát triển, bảo vệ rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị ngành chức năng, các địa phương bên cạnh việc quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp kích hoạt nền kinh tế lâm nghiệp cũng cần quan tâm đến 20 triệu hộ nông dân đang sống gần rừng và dựa vào rừng.

"Hiện nay, nhân lực cho ngành lâm nghiệp là vấn đề đang trăn trở, vậy chúng ta phải truyền thông để cho thế hệ trẻ thấy, viễn cảnh của ngành nông nghiệp, ngành lâm nghiệp trong tương lai như thế nào để giữ chân người trẻ, thay vì để họ tìm về các khu công nghiệp làm công nhân" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đề nghị ngành chức năng phải phối hợp với các cơ quan truyền thông, ngành giáo dục để truyền thông, giáo dục cho con trẻ tình yêu rừng, tình yêu đó sẽ lớn lên và thúc đẩy mỗi người dân giữ rừng, yêu rừng như máu thịt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem