Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo "nóng" về tình trạng buôn lậu đường cát

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 13/09/2019 17:59 PM (GMT+7)
Trước thực trạng buôn lậu và gian lận thương mại đường cát qua biên giới ngày càng tinh vi, gia tăng về số lượng gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành mía đường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường mở đợt kiểm tra.
Bình luận 0

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ban hành công văn về việc mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát cuối năm 2019. Theo đó, dự kiến từ ngày 15/9 đến hết ngày 31/12/2019, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tại các tỉnh miền Trung, miền Nam sẽ ra quân mở đợt cao điểm kiểm tra mặt hàng này.

Hoạt động ra quân mở đợt cao điểm kiểm tra mặt hàng đường cát nhằm xử lý kịp thời, triệt để các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường.

Qua đó, ngăn chặn, giảm tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán đường nhập lậu đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành mía đường Việt Nam. Đặc biệt, đoàn kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố sẽ có sự giám sát trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

img

Hoạt động buôn lậu đường diễn ra phức tạp ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Được biết, thời gian qua, tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới ngày càng “nóng” với diễn biến rất phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi, điều này khiến các doanh nghiệp, người dân trồng mía trong nước đang bị “bức tử”.

Tại một số tỉnh khu vực Tây Nam có chiều hướng gia tăng với số lượng ngày càng nhiều. Nếu trước đây, các đối tượng buôn lậu phải lén lút sử dụng hình thức như sang chiết đường lậu vào bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh bị phát hiện. Hiện nay, các đối tượng buôn lậu đã công khai chở đường cát lậu bằng xe tải lớn.

Khi đưa vào thị trường trong nước bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác nước ngoài. Hoặc trong nhiều trường hợp, đường cát lậu sau khi tập kết được gỡ bỏ mọi thông tin của nước sản xuất rồi dán bao bì, nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước mang đi tiêu thụ.

Hơn nữa, để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng hợp thức hóa đường cát lậu dưới nhiều hình thức như: sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch.

Trước thực trạng đáng báo động trên, Tổng cục quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch chuyên đề với mục tiêu kiểm tra, ngăn chặn việc lợi dụng sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân nhằm hợp thức hóa đường nhập lậu.

img

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ chỉ đạo trực tiếp trong đợt cao điểm kiểm tra về kinh doanh đường cát sắp tới. 

Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp với Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan trong hoạt động kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm tàng trữ, vận chuyển, buôn bán đường nhập lậu tại một số địa bàn trọng điểm, địa bàn liên tỉnh, bảo đảm bố trí xe ô tô sẵn sàng phục vụ hoạt động kiểm tra.

Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lượng đường nhập lậu tuồn vào Việt Nam đang ở "cấp số nhân". Trong giai đoạn 1999-2008, lượng đường nhập lậu chỉ khoảng 100.000 tấn/năm thì đến giai đoạn 2009-2015, lượng đường nhập lậu gấp 3 lần trước đó khoảng 350.000 tấn/năm. Đáng báo động, từ niên vụ 2015-2016, đường nhập lậu và gian lận thương mại có khối lượng ước tính khoảng 700.000 tấn/năm.

Trước áp lực trên, các doanh nghiệp (DN) trong nước phải liên tục giảm giá đường, có lúc giảm bằng giá đường lậu nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hạnh, Phó tư lệnh bộ đội biên phòng cho biết, việc chưa có văn bản, quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể về kiểm soát đường lậu khiến cơ quan chức năng rơi vào tình trạng “biết mà không làm gì được”.

“Chúng tôi biết có những kho, chủ đường nhưng tất cả hàng hóa đều có vỏ bọc, đường được đóng bao từ Campuchia đã có mác Việt Nam. Nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đưa vào kho rồi thì không thể chứng minh được có phải đường lậu hay không” – Thiếu tướng Hạnh nói.

img

Trước sức ép của đường lậu, lượng đường tồn kho của công ty Mía đường Sơn La đã lên tới 40.000 tấn.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội thông tin thêm: “Đối với mặt hàng đường, các đối tượng buôn lậu dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước "sang bao" ở nước ngoài rồi lợi dụng đêm tối đưa về. Theo quy định hiện hành khi hàng qua hết biên giới có hóa đơn là hợp pháp.”

Lỗ hổng trong công tác quản lý, thiếu chế tài kiểm tra, xử phạt trong thời gian qua  khiến ngành mía đường trong nước bị “bóp nghẹt” vì đường nhập lậu, hàng chục DN mía đường đứng trên bờ vực phá sản.

Mới đây, VSSA đã gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Công Thương với nội dung tiếp tục hoãn thời hạn thực thi Hiệp định ATIGA nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho ngành mía đường hiện tại.

Tuy nhiên, theo phát ngôn mới nhất của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, đề nghị trên của VSSA là không khả khi, Việt Nam đã xin lùi thời hạn một lần từ ngày 01.01.2018. Nếu hết ngày 31/12/2019, Việt Nam không thực hiện đúng cam kết, các nước ASEAN sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem