Bộ trưởng Y tế: Trẻ không tiêm chủng, nguy cơ tử vong gấp hàng trăm lần

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 01/01/2016 07:10 AM (GMT+7)
“Nếu không tiêm vắc-xin và mắc loại bệnh nào đó thì tỷ lệ tử vong ít nhất 100 - 200/1 triệu trẻ. Còn tiêm bất cứ vắc-xin nào thì tỷ lệ tử vong là 1-4 trường hợp/1 triệu liều vắc-xin” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với báo chí tại ngày cuối cùng trong năm 31.12.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Thưa Bộ trưởng, bà nhận định thế nào về vụ việc người dân chen lấn, chờ đợi thâu đêm để ngóng 1 mũi tiêm chủng dịch vụ?

- Trong tình hình khan hiếm vắc-xin dịch vụ (Pentaxim 5 trong 1 và Infarix Hexa 6 trong 1 - PV), với 200.000 liều Pentaxim mà chúng ta có thể gom được, lẽ ra phải là niềm vui lớn cho các gia đình lựa chọn tiêm chủng dịch vụ. Nhưng do việc tổ chức tiêm, rồi do văn hóa, thói quen người Việt nên xảy ra tình trạng hỗn loạn tại điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Sự cố này hoàn toàn có thể tránh được nếu cơ sở tiêm chủng chuẩn bị kỹ. Ngành y tế xin nhận trách nhiệm vì tổ chức dịch vụ không được tốt. Nhưng, người dân đáng nhẽ cũng cần có ý thức hợp tác với ngành y tế. Sau này, khi đi tiêm chủng cho con cũng nên bình tĩnh, xếp hàng, lấy số, không chen lấn, xô đẩy.

Đang có một bộ phận người dân e ngại vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng gây ra phản ứng sau tiêm nhiều hơn. Bộ trưởng có ý kiến gì về điều này?

- Tôi rất chia sẻ với những gia đình có con nhỏ đi tiêm và xảy ra phản ứng. Nhưng, xác suất đó ít hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc bệnh.

Ví dụ, như khi trẻ bị chó cắn, nếu muốn xác định con chó đó có bị dại hay không thì phải theo dõi 14 ngày. Nhưng nếu như không tiêm sau 72 giờ thì trẻ có nguy cơ bị mắc bệnh dại và nếu mắc bệnh dại thì 100% tử vong. Và khi tiêm cũng sẽ xảy ra nguy cơ vài chục phần triệu trẻ bị sốc, viêm não, màng não, dây thần kinh, có người tiêm còn bị liệt? Vậy, nếu bạn là bố mẹ của trẻ, bạn sẽ lựa chọn thế nào? Ai đủ dũng cảm đánh cược với số phận để chờ con chó đó không bị dại sau 14 ngày?

“Hiện 92% trẻ dưới 1 tuổi tại Việt Nam vẫn đang tiêm vắc-xin Quinvaxem trong khi đó tiêm dịch vụ vắc- xin “5 trong 1” như Pentaxim, Infarix Hexa chỉ chiếm 8%”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Với vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hay Pentaxim dịch vụ, khi tiêm hàng triệu liều cũng sẽ có phản ứng. Không có vắc-xin nào tuyệt đối an toàn, kể cả vắc-xin dịch vụ, vắc-xin vô bào mà người dân tin tưởng rằng không có phản ứng sau tiêm.

Khi tiêm vắc-xin là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể, để cơ thể gặp kháng nguyên lạ sẽ kích thích sản xuất kháng thể chống lại virus gây bệnh. Trong quá trình kích thích đó, sẽ có một vài người có phản ứng quá mẫn với “chất lạ” và gây ra các phản ứng quá mạnh hoặc sốc phản vệ. Các phản ứng của cơ địa rất khó phòng vệ.

Bất cứ nhà sản xuất vắc-xin nào đều đưa ra khuyến cáo về phản ứng sau tiêm, nguy cơ phản ứng phụ không mong muốn… Tuy nhiên, những tỷ lệ này thường rất thấp, chỉ vài chục trường hợp trên 1 triệu mũi tiêm.

Bộ trưởng đánh giá thế nào về các kết quả mà Chương trình Tiêm chủng mở rộng Việt Nam đã đạt được?

- Trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã thanh toán hoặc giảm triệt để được rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi… Hàng triệu trẻ em đã thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, hàng nghìn trẻ đã tránh được rủi ro đối mặt với thần chết.

Năm 2014, đã có hàng chục nghìn trẻ mắc sởi, trong đó nhiều trẻ tử vong. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều chưa tiêm chủng vắc-xin sởi. Rồi thời gian qua, dịch ho gà, bạch hầu đã diễn ra ở một số nơi… Đó là những bài học đau xót trong việc cha mẹ chậm trễ không cho con đi tiêm chủng.

Trong khi đó về khoa học, với mỗi loại bệnh, miễn dịch cộng đồng phải đạt tối thiểu 80% mới không xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, chỉ cần một cộng đồng nhỏ bỏ tiêm chủng thì nguy cơ bệnh dịch sẽ lan ra nhanh chóng.

Tôi hiểu và thông cảm với nỗi lo lắng của người dân rằng trẻ sẽ gặp các phản ứng, tai biến sau tiêm. Tuy nhiên, khả năng trẻ mắc bệnh và đối mặt với nguy cơ biến chứng nguy hiểm lớn hơn rất nhiều lần trẻ bị tai biến khi tiêm chủng. Chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ tai biến nhất định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem