*Vừa qua, có một số ca tai biến sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem khiến nhiều phụ huynh băn khoăn có nên tiêm cho con hay không. Ông có thể cho biết lợi ích và nguy cơ khi tiêm phòng loại vắc xin này?
- Vắc-xin Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận về tính an toàn trong tiêm chủng. Tuy nhiên, một số phản ứng thường gặp ở trẻ sau khi tiêm chủng là sốt nhẹ (dưới 38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.
Tiêm vắc-xin cho trẻ. Ảnh: Dương Thanh
Ngoài ra, một số phản ứng sau khi sử dụng vắc-xin Quinvaxem như khóc dai dẳng, co giật có kèm theo sốt… Đặc biệt, một tỉ lệ nhỏ có thể xảy ra sốc phản vệ từ 1 - 20 người/ 1 triệu liều tiêm vắc-xin.
Trẻ tiêm vắc-xin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào sẽ miễn dịch bền vững hơn so với các vắc-xin trong tiêm chủng dịch vụ có thành phần ho gà vô bào.
Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã có khoảng 25 triệu liều vắc-xin Quinvaxem được sử dụng tiêm chủng an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi. Tỉ lệ phản ứng thông thường và các phản ứng nặng sau tiêm đều thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất, Tổ chức Y tế thế giới.
*Thưa ông, vắc-xin Quinvaxem có tỉ lệ phản ứng cao, trong khi vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ lại chưa ghi nhận nhiều trường hợp tai biến sau tiêm tại Việt Nam? Vậy, tính an toàn của vắc-xin Quinvaxem ra sao so với các vắc-xin dịch vụ?
- Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắc-xin ho gà toàn tế bào có tỉ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… cao hơn so với vắc-xin ho gà vô bào. Tuy nhiên, tỉ lệ phản ứng nặng của vắc-xin ho gà vô bào và toàn tế bào là tương đương nhau.
Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 100.000 đến 200.000 liều vắc-xin ho gà vô bào so với 5,5 triệu liều vắc-xin ho gà toàn tế bào được triển khai trên toàn quốc.
Theo đánh giá năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới về các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem tại Việt Nam. Kết quả cho thấy có 9 trường hợp phản ứng có liên quan đến vắc-xin trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,64/1 triệu liều), không có tử vong trong số 9 ca này. Chỉ ghi nhận 1 trường hợp sốc phản vệ trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,07/1 triệu liều), thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
*Gần đây có xảy ra một số trường hợp trẻ sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem bị phản ứng nặng, có trường hợp tử vong. Những sự việc này đã ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng và để lại hậu quả gì?
- Trong thời gian qua, thông tin về các phản ứng sau tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem, phần nào cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của các ông bố, bà mẹ trước quyết định đưa con đi tiêm chủng vắc-xin. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở một số ít các bậc phụ huynh, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hơn 1,6 triệu trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước. Ở các tỉnh, thành phố khác, người dân vẫn đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tỉ lệ tiêm chủng vẫn được duy trì ổn định.
Việc các bậc phụ huynh trì hoãn đưa con đi tiêm chủng, chờ đợi vắc-xin dịch vụ sẽ khiến cho trẻ bị tiêm chủng muộn, tiêm không đủ mũi. Điều này dẫn đến trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh trước khi tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ. Đầu năm 2015, có 43,7% các trường hợp mắc ho gà ở độ tuổi từ 2-4 tháng tuổi mà chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi.
*Những trường hợp nào trẻ không tiêm được vắc xin Quinvaxem, thưa ông?
- Một số trường hợp không tiêm vắc-xin Quinvaxem cho trẻ như trẻ có tiền sử phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước: Sốt cao liên tục trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin; sốc sau tiêm vắc-xin; khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin; co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc-xin...
Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc-xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ. Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
*Xin cảm ơn ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.