Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký Công văn 333/CP-CN về việc đính chính Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, văn bản 333 vừa gửi tới các cơ quan, bộ, ngành, địa phương nêu rõ: "Do sơ suất kỹ thuật, xin đính chính sai sót tại khoản 5 Điều 6 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng như sau: Khoản 5 Điều 6 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP viết: "Bãi bỏ khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 9". Nay sửa lại: "Bãi bỏ khoản 2 Điều 9".
Đây là những điều khoản được quy định tại Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Như vậy, với việc đính chính trên, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được giữ lại sau chưa đầy một tháng bãi bỏ theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP.
Nội dung khoản 2 Điều 5 tại Nghị định số 100/NĐ-CP quy định như sau: "Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%, tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước... hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương, dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn".
Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết, về việc bảo đảm tính thống nhất trong thực thi Nghị định 35 của Chính phủ, văn bản đính chính số 333 là một phần nội dung của Nghị định 35, vì thế sẽ không làm khó các địa phương trong thực hiện quy định thời gian tới.
Về quy định dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội là hướng đến sản phẩm bình dân, nhưng đất ở nội đô hoặc vùng gần trung tâm thành phố thường có giá trị lớn nên không dễ làm nhà ở xã hội.
"Cần ưu tiên dành quỹ đất ở vùng ven đô thị quy hoạch thành đô thị lớn 5 - 10 ha có đủ hạ tầng cơ bản, đồng thời bố trí quỹ đất phát triển nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp. Tại những đô thị nhỏ hơn, có thể tùy theo nhu cầu, phát triển thành những khu nhà ở xã hội có quy mô phù hợp. Thay vì áp đặt, nên điều chỉnh quy định theo hướng phù hợp với phát triển nhà ở xã hội sao cho thuận tiện nhất để mọi thành phần đều có thể chủ động", ông Đính nhận định.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu quan điểm, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án; nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án. Nếu có cơ chế chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20% mà trước đây đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thì vừa sát với thực tiễn, vừa có được quỹ nhà ở xã hội nhiều hơn với giá thành hợp lý hơn, phù hợp hơn với khả năng tài chính của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Về việc dùng công văn đính chính Nghị định, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý về đất đai, bất động sản cho biết, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không hề quy định việc đính chính văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền được phép đính chính văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định việc đính chính văn bản đăng Công báo (Điều 94), đính chính văn bản niêm yết - đối với văn bản do chính quyền địa phương ban hành (Điều 100).
"Về mặt thực tiễn, tôi cho rằng việc cho phép đính chính văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Lý do là bởi chất lượng xây dựng pháp luật hiện nay, chất lượng con người tham gia vào quy trình soạn thảo, thẩm tra/thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế nên sai sót là khó tránh khỏi", ông Đỉnh nhận định.
Mặc dù vậy, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, việc đính chính văn bản quy phạm pháp luật phải hết sức hạn chế và chỉ áp dụng cho những sai sót “nhỏ”. Theo đó, phạm vi áp dụng của hình thức đính chính văn bản quy phạm pháp luật chỉ áp dụng đối với sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày.
Tại Điều 130 Nghị định 34 quy định rõ: “Đính chính văn bản được thực hiện đối với văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày”. Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ cho phép áp dụng hình thức đính chính văn bản quy phạm pháp luật với những sai sót nhỏ, liên quan đến thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Sai sót về mặt kỹ thuật thông thường là: lỗi đánh máy, soạn thảo, đánh nhầm số trang, số điều, khoản, điểm, sai cỡ chữ, kiểu chữ...
Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh cho biết điều 130 Nghị định 34 quy định: “Cơ quan, người ban hành văn bản đính chính văn bản bằng văn bản hành chính”. Như vậy, việc đính chính văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện bằng văn bản hành chính (công văn). Ví dụ: Đính chính nghị định sẽ bằng công văn của Chính phủ; đính chính quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ bằng công văn của Thủ tướng; đính chính thông tư sẽ bằng công văn của Bộ... Do đó, việc dùng công văn để đính chính nghị định là phù hợp nhưng chỉ áp dụng với sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.