Từ lâu người dân sống trong hẻm 295, đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TPHCM) không còn xa lạ gì với hình ảnh một người đàn ông dáng gầy, đạp chiếc xe ba gác cà tàng cọc cạch đi mò tìm ve chai dưới những dòng kênh đen đặc, ô nhiễm. Người đàn ông đó là Nguyễn Văn Hoàng, 51 tuổi mà dân hay gọi ông bằng cái tên ông Hoàng “ve chai”.
Dầm mình mưu sinh
Trên dòng kênh nước đen ngòm đầy rác rưởi ở quận Bình Tân, chúng tôi gặp ông đang cần mẫn mò mẫm, dò tìm. Trong dòng nước đen kịt, mùi hôi xộc lên nồng nặc khiến người không quen có cảm giác buồn nôn, nhưng người đàn ông này bình thản làm công việc của mình.
Thường xuyên phải lặn ngụp dưới dòng nước bẩn, nhưng ông Hoàng vẫn lạc quan vì ông nghĩ công việc của mình đã nuôi sống gia đình.
Thấy người đàn ông hành động lạ, người dân xung quanh tò mò theo dõi. Hỏi ra mới biết, người đàn ông ấy đi mò ve chai để kiếm sống. Tò mò và cảm thấy lạ lùng cái nghề mưu sinh gian truân này, chúng tôi tiếp cận ông tìm hiểu. Vừa làm vừa trò chuyện, ông Hoàng “ve chai”, cho biết đã theo nghề mò tìm rác dưới các con kênh được hơn 36 năm. Trong lúc trò chuyện, ông Hoàng vẫn không ngớt làm việc, vẫn tiếp tục mò mẫm, thỉnh thoảng đưa tay bóp thử một mảnh nhựa, thanh sắt, vừa tìm được rồi cho vào chiếc thau nhôm được ông buộc vào bụng.
Cứ như thế, ông đi dọc bờ bên phải, rồi sang ngược bờ kênh bên trái, đôi chân ông chìm trong sình đến gần đầu gối, đôi mắt chăm chú nhìn vào lớp sình bẩn trên mặt kênh. Dưới chân, đầy vật bén nhọn với những nguy hiểm cùng mùi xú khí nồng nặc, nhưng ông vẫn bình thản làm việc. Ông đi mò phế liệu ở chỗ nào cũng có bạn, có người quen để nói chuyện hỏi thăm. Hành trang làm việc mỗi ngày của ông Hoàng chỉ có chiếc ba gác cũ cà tàng và hai cái thau nhôm.
“Ban đầu khi ngâm mình dưới các con kênh đậm mùi tôi cũng lo lắm, sợ bị nhiễm bệnh, rồi người qua đường bàn tán chế giễu nhưng riết rồi quen. Mặc cảm thì để bụng chứ không bao giờ đem ra vì mình vô tư, miễn có tiền là được rồi”- ông Hoàng “ve chai” trầm ngâm. Theo lời kể, ông đã bám cái nghề này được 36 năm nên ghiền, khó bỏ nghề được. “Nghe mùi quen rồi, không bỏ được. Với lại tôi cũng muốn tự mình kiếm sống chứ không muốn làm thuê cho người ta”, ông Hoàng tâm sự.
Sau khi mò rác xong, ông Hoàng rửa sơ rồi đem những “chiến lợi phẩm” thu được lên bờ.
Sau khi mò phế liệu ở kênh này xong, ông đem chất lên xe rồi lại tiếp tục rong ruổi qua những tuyến kênh khác. Điểm ông mò phế liệu thường là tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đến những con kênh gần khu vực Đầm Sen rồi xuôi về kênh Tân Hiệp ở quận Tân Phú. Có những đoạn kênh ông đến mò phế liệu dày đặc rác. Ở đó người ta xả nước thải, vứt đủ thứ xuống, muốn tìm được ve chai, phế liệu, ông phải len lỏi vào những “thảm” rác ấy để tìm kiếm, bới móc tất cả những gì có thể bán được.
Giữa bao nhiêu mùi xú uế của rác, của nước thải, bao nhiêu ruồi nhặng, vi khuẩn, độc hại ông vẫn trầm mình trong đó, thản nhiên, cặm cụi với công việc của mình. “Làm cái nghề cực nhọc này, ngoài việc phải chịu dơ bẩn thì thường trực gặp không ít rủi ro”- ông nói và chỉ xuống dưới chân mình. Trong lớp sình dày đặc kia, có biết bao nhiêu thứ độc hại và bao nhiêu vật bén nhọn, nguy hiểm sẵn sàng làm rách da, làm thương tổn. Lên bờ nghỉ giải lao, rửa vội bàn tay dính đầy bùn đen, mới thấy bàn tay ông chi chít vết sẹo do những vật sắc nhọn để lại. “Thường là đứt da thịt cẳng tay, cẳng chân. Nhớ nhất là hồi đầu những năm 1983, tôi lượm ve chai dưới kênh thì có cây sắt ló ra cắt trúng chân làm máu tuôn ra phải khâu 18 mũi và nghỉ cả tháng trời để trị thương. Vậy là tháng đó đói luôn”, ông Hoàng kể.
Tiền sạch giữa bùn nhơ
Châm vội điếu thuốc hút để xua đi mùi xú uế khi lên khỏi dòng kênh, ông Hoàng chầm chậm thu dọn mớ ve chai mình vừa nhặt được lên xe ba gác. Người đàn ông với nước da ngăm đen, rắn rỏi khuôn mặt hiện vẻ khắc khổ, lam lũ buông tiếng thở dài rồi kể về chuyện nghề quanh những con kênh Sài thành.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, ông Hoàng không được đi học, đến giờ này, ông vẫn không biết đọc, biết viết. Ông kể: “Hồi đó còn nhỏ thì tôi đi giữ xe, đi đánh giày, lúc lớn hơn thì đi nhặt ve chai, rồi nối nghề của gia đình. Đến đời tôi thì nghề này được truyền qua 4 đời rồi. Đến bây giờ, nghề lặn tìm ve chai truyền tới em út rồi cả con cháu nữa”.
Theo nghề từ năm 15 tuổi. Ban đầu ông cùng với đàn em nheo nhóc đi nhặt nhạnh những mảnh ve chai để kiếm sống. Nhưng khi nhận thấy số tiền kiếm được chẳng đủ để lo cho cuộc sống cơm áo gạo tiền, ông một mình dò dẫm xuống các con kênh gần nhà để mò tìm hy vọng có thêm thu nhập. Ngày nào cũng vậy, không kể nắng hay mưa, 7 giờ sáng ông bắt đầu ngày làm việc và kết thúc vào chiều muộn. Siêng năng, cần mẫn là vậy, mà số tiền kiếm được cũng chỉ giúp ông đắp đổi qua ngày để nuôi vợ con và mẹ già. Nhưng đối với ông Hoàng, đồng tiền ông kiếm được là đồng tiền sạch, cái sạch kiếm được từ những nơi dơ bẩn nhất thành phố này.
Nhiều người nhìn ông với con mắt ái ngại, nhưng ông vẫn thủy chung với nghề hy vọng vào tương lai tươi sáng.
Sau khi vật lộn mưu sinh trên dòng kênh sánh đặc ô nhiễm ở Sài Gòn, ông đã phải cần mẫn, chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Mỗi ngày cũng kiếm được từ vài chục đến trên trăm nghìn. Tuy vậy, nhờ nỗ lực của mình, với số vốn tích được từ nghề lượm ve chai, ông Hoàng cũng đã mua được căn nhà nhỏ ở trong hẻm 295, đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông. Ông Hoàng cười tự hào như khoe: “Khi đó tích góp với đi mượn tôi mới mua được cái nền để làm nhà. Mà hồi đó cũng chỉ mua với giá 2,5 triệu đồng thôi nha. Đất này ngày xưa là đất trũng ngập nước, rẻ nên dân nghèo như tôi mới mua được”.
Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp ve chai, dù chẳng khá giả, nhưng biết bao lần ông nhặt được những vật có giá trị như vài phân vàng, hay chính tang vật của những kẻ trộm cắp không trót lọt ném xuống kênh để phi tang, ông không giữ làm của riêng mà đều thông báo cho công an địa phương. Lần khác, ông mò lên được một chiếc két sắt, phá bỏ ra bên trong có rất nhiều giấy tờ. Ông đem lên giao nộp cho công an phường. Có người sau khi đến nhận toàn bộ giấy tờ và đem biếu ông chút quà cảm ơn. Cũng có khi ông Hoàng “ve chai” trúng được các “mẻ lớn” mà theo ông là nhặt được hung khí đó là khẩu K54, dao, mã tấu… Nhưng những thứ này ông cười: Không dại gì mà giữ.
“Năm trước, lượm được 2 cây súng ngắn, với mấy cây mã tấu, ống tuýt rồi còng số 8, nộp cho quận Bình Tân nên tôi được tặng giấy khen, được thưởng tiền nữa. Xung quanh đây ai cũng biết tôi hay nhặt được hung khí, kể cả mấy kẻ côn đồ. Có khi hóng được tin tôi nhặt được khẩu súng hay đao kiếm, tụi nó lân la đến đòi mua lại, có khi còn lăm le muốn lấy không nhưng tôi đâu có chịu”.
Bị đe dọa là vậy, nhưng ông vẫn không hề nao núng sợ hãi, bởi trong thâm tâm, ông Hoàng luôn nghĩ: “Bán nó thì được vài triệu đồng, với tôi đó là khoản tiền lớn. Nhưng để súng đạn thất thoát ra ngoài, ai đó cầm súng này đi gây tội ác thì lương tâm tôi cắn rứt cả đời không yên”.
Sống tình nghĩa với làng xóm, chân thực trong sáng ông “Hoàng ve chai” vẫn bám lấy nghề. Mỗi ngày như mọi ngày, ông làm việc, vui vẻ lạc quan và yêu đời, bởi nó không chỉ mang lại miếng cơm, manh áo cho ông và gia đình mà còn giúp ông tìm được niềm vui và lẽ sống cho mình. Mưu sinh giữa bùn nhơ cùng những phận đời chìm nổi gieo neo, mới thấy nghị lực sống của ông thật đáng trân trọng biết bao. Đại diện tổ dân phố nơi ông Hoàng sống, nhận xét.
|
Hữu Huy (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.