Cả ấp văn hóa "dậy sóng" vì AIDS

Thứ năm, ngày 27/09/2012 15:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân trong vùng hoang mang lo lắng. Nhiều người thậm chí không dám đi xét nghiệm vì sợ “dính” HIV. Cánh đàn ông, ai lỡ “ham vui” trước đây giờ lo lắng không yên vì không biết thần chết có gõ cửa nhà mình hay không...
Bình luận 0

Thần chết gõ cửa

Ngày 18.9, Trung tâm Phòng chống AIDS (Sở Y tế tỉnh Bến Tre) đã phát hiện thêm 3 người dân ở xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam bị nhiễm HIV/AIDS. Như vậy tại xã này đã phát hiện 18 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 8 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 2 người đã tử vong.

img
Bệnh nhân HIV tiếp xúc báo chí

Sự việc gây xôn xao dư luận này bắt đầu bằng việc ông N.V.C., 58 tuổi, ngụ tại ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng đi khám và điều trị suy thận tại bệnh viện Bình Dân TP.HCM vào ngày 31.1.2012. Xét nghiệm của bệnh viện này cho thấy ông N.V.C. dương tính với virus HIV. Ông C. thông báo với người dân trong xóm và nhiều người khác đi xét nghiệm cũng có kết quả tương tự.

Trung tâm Phòng chống AIDS tỉnh Bến Tre đã tiến hành xét nghiệm 31 trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao và kết quả là 11 người có kết quả dương tính. Tất cả đều là nam giới và cùng ngụ tại ấp Phú Đăng.

Đặt vấn đề nên xét nghiệm hết số người dân trong ấp Phú Đăng (xã Ngãi Đăng) để phát hiện bao nhiêu người nhiễm HIV để có biện pháp tránh lây lan, ông Trần Tuấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre cho rằng: chỉ tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác đi xét nghiệm thôi. Vì theo luật thì không thể bắt buộc mà bệnh nhân phải trên tinh thần tự giác tự nguyện.

Tiếp chúng tôi, ông Huỳnh Văn H. cũng như nhiều bệnh nhân khác ở ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng (huyện Mỏ Cày Nam) hiện nay thấp thỏm, lo âu, muốn buông xuôi công việc lao động sản xuất. Bởi ông và 5 người trong gia đình vừa xét nghiệm bị nhiễm HIV- căn bệnh chưa có thuốc đặc hiệu chữa trị.

Ngoài ông ra còn có 2 người con trai, một người là anh em chú bác và 2 người cháu đã bị lây nhiễm HIV/AIDS . Ông H. cho biết, vào tháng 3 rồi, thấy ông sui là ông Nguyễn Văn C. bị nhiễm HIV, vợ chồng ông và con trai đến Viện Pasteur (TP.HCM) xét nghiệm thì ông bị kết quả dương tính với bệnh này. Vợ và con trai ông chưa bị nhiễm bệnh. Sau đó 5 người trong gia đình này và 5 người hàng xóm khác xét nghiệm bị dương tính HIV.

Bệnh ở đâu ra?

Ông H. và các bệnh nhân HIV khác tại địa phương quả quyết là do thầy thuốc Đỗ Văn Bé - một y sĩ làm tổ y tế ấp lây nhiễm mầm bệnh khi tiêm thuốc. Bởi ông H. đã 62 tuổi làm nghề thợ hồ, có cuộc sống lành mạnh, không ăn chơi sa đọa; trong khi đó người thầy thuốc này tiêm thuốc có thay kim tiêm nhưng dùng cùng lọ thuốc được pha chế sử dụng chung cho nhiều bệnh nhân nên có nguy cơ lây lan mầm bệnh.

img
Người dân ấp Phú Đăng

Các bệnh nhân khác cho biết họ đều từng khám bệnh, tiêm thuốc tại nhà ông Bé (nguyên là cán bộ đội vệ sinh phòng dịch - Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam). Khi về hưu, dù không có giấy phép hành nghề nhưng ông tổ chức khám chữa bệnh tại địa phương.

Người thầy thuốc này trị “bá bệnh”; đặc biệt đối với bệnh đau nhức thì ông sử dụng chung lọ thuốc để tiêm cho nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, khi vụ việc xảy ra, ông Bé nói mình không làm lây lan bệnh HIV cho ai cả. Riêng “phòng mạch” của người thầy thuốc này đã gỡ bảng hiệu và không còn ai dám đến khám, trị bệnh nữa. Trước đó, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã có quyết định xử phạt ông Bé số tiền 12,5 triệu đồng vì “hành nghề khám chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề”.

Ông Trần Tuấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre - cho biết nguồn lây nhiễm HIV ở ấp Phú Đăng hiện nay chưa xác định. Bệnh nhân cho là thầy thuốc làm lây bệnh là chưa có cơ sở. Việc này chúng tôi phải “cầu viện” Viện Pasteur (TP.HCM) đến hỗ trợ.

Sống trong sợ hãi

img
Đường giao thông ấp Phú Đăng vắng vẻ

Ấp văn hóa Phú Đăng đang trên đà phát triển, cuộc sống an cư lạc nghiệp của nhân dân bỗng nhiên bị xáo trộn. Người dân cho biết, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi con số nhiễm HIV thật sẽ cao hơn. Có khả năng có người xét nghiệm dương tính HIV nhưng giấu kín hoặc có người không dám đi xét nghiệm HIV.

Nhiều người sống trong phập phồng lo sợ là biết mình hoặc người thân trong gia đình mình có nhiễm bệnh thế kỷ này không. Ông Phan Văn Hiệp - người dân ấp Phú Đăng - bức xúc: “Tôi thấy người dân trong xóm bệnh này nhiều quá. Rất lạ là bà con là dân lao động cần cù chứ không phải dân ăn chơi, hút chích gì mà ôm bệnh si đa… Tôi đề nghị ngành chức năng điều tra làm rõ vấn đề này để bà con yên tâm làm ăn. Chứ kiểu này cuộc sống hoang mang lắm…”.

Còn đối với các bệnh nhân dương tính với HIV thì “án tử” đã được báo trước nên càng thêm bi thảm. Họ không khỏi mặc cảm khi tiếp xúc với cộng đồng và không biết giải thích thế nào khi mầm bệnh mang trong người.

Anh Huỳnh Văn - một bệnh nhân HIV - tâm sự: “Tôi phát hiện mình bệnh này khi đi xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Tuy nhiên vợ tôi chưa nhiễm bệnh. Hiện nay, tôi thực hiện đúng các khuyến cáo của cán bộ y tế, không để lây lan cho vợ con và cộng đồng. Tuy mọi người không xa lánh nhưng tôi thấy mặc cảm, hạn chế đi đám tiệc, tiếp xúc người khác. Tôi mong ngành chức năng làm rõ con đường lây bệnh cho chúng tôi để sau này người khác biết né tránh…”.

Sau khi phát hiện nhiều ca bệnh HIV, các cơ quan chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam đã tổ chức nhiều đoàn đến khảo sát, điều tra nắm tình hình lây lan căn bệnh này; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bệnh nhân và người thân áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh lây lan. Còn về xác định nguyên nhân chính xác làm lây lan bệnh này phải chờ kết quả của ngành chuyên môn.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hiển - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam - nói: “Trong đời làm nghề y của tôi, đây là trường hợp hy hữu. Trung tâm Y tế đã làm việc với chính quyền và trạm y tế xã để tăng cường tuyên truyền trong dân nhận biết hơn nữa về bệnh này. Quan điểm tôi là không làm to chuyện sẽ gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng”.

Đối với chính quyền, đoàn thể xã Ngãi Đăng, việc bùng phát bệnh HIV/ AIDS xem như ngoài khả năng và chỉ biết ngóng chờ vào trách nhiệm của ngành y tế bởi kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về căn bệnh này còn hạn chế. Chính quyền địa phương e ngại nói về bệnh HIV sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của xã và nói sai chuyên môn.

Lúng túng xử lý

Ông Trương Văn Nghĩa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đã chỉ đạo ngành y tế nhanh chóng phối hợp và yêu cầu sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP.HCM và Cục Phòng chống AIDS (Bộ Y tế) để nhanh chóng xác định nguồn gốc lây nhiễm; ngành công an nhanh chóng có các biện pháp nghiệp vụ để hỗ trợ xác định nguồn gốc lây nhiễm nhằm nhanh chóng ổn định tâm lý người dân, cũng như tình hình an ninh trật tự tại xã Ngãi Đăng.

Song song đó, Sở Y tế Bến Tre nhanh chóng phối hợp với chính quyền và Phòng Y tế huyện Mỏ Cày Nam, cũng như xã Ngãi Đăng tuyên truyền động viên người dân bình tĩnh, phổ biến các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Đây là trường hợp đầu tiên có nhiều người nhiễm HIV cùng một thời điểm tại địa phương, đã ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống người dân địa phương.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem