Thoạt nghe chắc hẳn nhiều người sẽ không tin loài cá nổi tiếng, thường sống ở các
bờ biển Bắc của châu Âu và châu Mỹ, lại có thể sinh tồn ở một huyện vùng cao với địa hình nhiều núi
như ở Sa Pa. Cá hồi ống trong môi trường "nước động", nhiệt độ thấp, thường tự chết sau khi ngược
dòng để đẻ trứng, nên sự có mặt của loài cá này ở Sa Pa khiến du khách gần xa không khỏi ngạc
nhiên.
Hồ nuôi cá hồi được chia thành nhiều khu cho các thế hệ cá khác nhau. Ảnh: blogspot
Lứa cá hồi đầu tiên được nuôi thử nghiệm thành công ở Sa Pa từ năm 2006, khiến
sản phẩm du lịch của phố núi càng trở nên hấp dẫn. Khách du lịch kéo nhau về Sa Pa giờ không chỉ để
tham quan núi Hàm Rồng, Cầu Mây, bản Cát Cát hay ăn cá suối, rau rừng, mà còn là để khám phá, tìm
hiểu về loài cá lạ, cũng như thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn được chế biến từ cá
hồi.
Loại cá được nuôi tại Sa Pa chủ yếu là cá hồi vân, hay còn gọi là cá hồi ráng. Dù
được nuôi ở nhiều nơi nhưng để mục sở thị cảnh nuôi cá hồi, khách du lịch thường chọn khu Thác Bạc,
bởi nơi đây gần điểm du lịch và nằm ngay dưới chân Fansipan nên rất tiện để dừng chân.
Ở độ cao hơn 1.800 m so với mực nước biển, vùng nuôi cá hồi ở Thác Bạc có 3 khu
riêng biệt, mỗi khu nuôi một thế hệ cá hồi khác nhau. Khu thứ nhất là nơi ươm và ấp trứng với 12 bể
con đường kính 2-5 m và hai bể to dung tích 60 m3. Khu thứ hai là nơi nuôi cá trưởng thành, gồm 3
bể lớn. Khu thứ ba là nơi nuôi cá hồi chuẩn bị xuất chuồng với 5 bể dung tích 250 m3.
Thịt cá hồi Sa Pa hồng, chắc thịt. Ảnh: kssapa
Ngoài ra, ở đây còn gần 1.000 m đường ống dẫn nước từ Thác Bạc về để đảm bảo nuôi
sống cá hồi trong môi trường nước lạnh. Nếu muốn tham quan toàn bộ quy mô và tìm hiểu một số đặc
tính sinh sản, phát triển của cá hồi cũng như các công đoạn chăm sóc, du khách phải dành cả nửa
ngày, thậm chí cả ngày mới có thể xem hết được.
Cuộc sống của những chú cá hồi giữa núi rừng Tây Bắc trong nền văn hóa các dân
tộc bản địa không chỉ thu hút sự chú ý của khách du lịch trong nước mà còn khiến không ít du khách
quốc tế ngỡ ngàng và thích thú. Họ ngạc nhiên vì hi đến đất nước nhiệt đới gió mùa lại được thưởng
thức các món ngon được chế biến từ cá hồi "Tây" với mức giá rất Việt Nam.
Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ,
chất lượng và màu sắc của cá hồi Sa Pa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu
vào Việt Nam. Cá có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp
để chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari..., nhưng nổi bật nhất
là các món lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng…
Cá hồi có thể chế biến thành nhiều món như lẩu, gỏi, nướng... Ảnh: amthuc365
Gần như nhà hàng nào ở Sapa cũng có món cá hồi nhưng bạn nên chọn các quán chuyên
cá hồi để có lựa chọn cá tươi ngon và chế biến cũng sành hơn. Họ sẽ "cắt tiết" - khía ngang ngay
dưới vây trước cá rồi thả vào chậu nước lạnh, cá quẫy mạnh, máu chảy hết, thịt cá hồng, không bị
vẩn máu đọng, sau đó chế biến thành các món ăn tùy ý.
Khi chọn thực đơn bạn cũng chỉ nên làm từ hai đến ba món là vừa, như vậy ăn sẽ
không bị ngán và có thể cảm nhận được vị cá hồi lâu hơn. Kết hợp cá hồi với các loại rau xứ lạnh
cùng mấy chén rượu ngô của Bắc Hà hoặc Mường Khương sẽ mang lại cho bạn những giây phút chẳng thể
nào quên.
Vnexpress (Theo Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.