Cà Mau đang xúc tiến làm bao nhiêu khu nông nghiệp công nghệ, vùng nông nghiệp công nghệ cao?

Thứ tư, ngày 01/02/2023 06:01 AM (GMT+7)
Trong định hướng phát triển nền nông nghiệp, hiện nay tỉnh Cà Mau đang xúc tiến thành lập 2 khu và 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận 0

Đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp thông minh vào sản xuất là hướng đi mà ngành nông nghiệp tỉnh tập trung triển khai nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững, hoà cùng xu hướng phát triển chung của thế giới.

Với khoảng 210.000 tấn cung cấp cho thị trường hàng năm, con tôm từ lâu đã trở thành ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong tỉnh Cà Mau và đang vươn ra khỏi ranh giới địa lý tỉnh, hướng tới trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia. 

Không chỉ có con tôm, điều kiện tự nhiên rất đặc biệt, gồm 3 hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ đã tạo cho Cà Mau đa dạng các loại hình sản xuất. Lúa, gỗ chính là ưu thế đó, khi chất lượng, sản lượng đủ năng lực để cung cấp cho nhu cầu chế biến, tiêu dùng trong và ngoài nước. Với những tiềm năng, thế mạnh này, Cà Mau là vùng đất hứa hẹn và đang hiện thực hoá dần nền nông nghiệp công nghệ cao.

Năng suất tôm nuôi thâm canh bình quân đạt 5 tấn/ha/năm đối với tôm sú và 8 tấn/ha tôm thẻ chân trắng; năng suất tôm nuôi siêu thâm canh bình quân 40-50 tấn/ha/vụ; năng suất lúa tăng từ 3,9 tấn/ha lên 4,59 tấn/ha; đối với lĩnh vực lâm nghiệp, từ việc phải nhập giống thì hiện nay mỗi năm có thể sản xuất được từ 1,5-2 triệu cây giống bằng phương pháp giâm hom...

Ðây là những kết quả nổi bật nền nông nghiệp tỉnh đã đạt được thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhận định, những năm qua, tỉnh tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực như: tôm, lúa, lúa - tôm, cua và rừng, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ đó, hình thành được các vùng chuyên canh về sản xuất lúa, tôm hàng hoá chất lượng cao. 

Ngành nông nghiệp trong những năm qua có tốc độ phát triển bình quân hơn 4,3%, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế tỉnh, chiếm tỷ trọng hơn 33%.

Cà Mau đang xúc tiến làm bao nhiêu khu nông nghiệp công nghệ, vùng nông nghiệp công nghệ cao? - Ảnh 2.

Thu hoạch tôm nuôi thâm canh ở xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: HUỲNH LÂM

Nghề nuôi thuỷ sản ngày một phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hoá đối tượng và phương thức nuôi. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ ao nuôi trải bạt theo quy trình Biofloc, Semi-Biofloc, nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn nước khép kín...

Ðặc biệt, tỉnh Cà Mau đã tập trung phát triển nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế và đã được cấp các chứng nhận: GlobalGAP, Naturland, BAP, EU và gần đây có ASC, Selva Shrimp, VietGAP... Ðó là điểm nhấn của ngành tôm, góp phần đưa tổng sản lượng tôm trong năm 2022 đạt 227.950 tấn, tăng 6,5%.

Theo đó, lĩnh vực chế biến, xuất khẩu tôm tiếp tục là điểm sáng, khi kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tiếp tục tăng 16,5% so với năm trước, trong đó thuỷ sản đạt hơn 1,083 tỷ USD. Ngành tôm Cà Mau tiếp tục khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn.

Ðể ngành tôm tiếp tục có điều kiện phát triển, tạo đột phá cho nền kinh tế, ông Quân cho biết: "Tỉnh đã xây dựng Ðề án nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, xây dựng cơ chế đặc thù, đơn giản hoá thủ tục hành chính để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế; xây dựng khu sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hoá, công nghệ nano… để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm, phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất vùng ÐBSCL và cả nước, đặc biệt là tôm sinh thái, tôm hữu cơ".

Lúa, đặc biệt lúa hữu cơ là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều giá trị và thu nhập cho người dân. Do đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển diện tích lúa hữu cơ trên những vùng đất phù hợp. 

Bà Phạm Ngọc Thơ, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai nhân rộng nhiều mô hình, dự án sản xuất giống hiệu quả, cung ứng đa dạng giống loài, trong đó phải kể đến sản xuất giống lúa chịu hạn, mặn cao, thích hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của các địa phương.

Một trong những thành quả đáng ghi nhận trong công tác sản xuất giống của tỉnh là hàng năm cho ra thị trường từ 600-800 tấn lúa giống đạt tiêu chuẩn cấp giống nguyên chủng và xác nhận với năng suất, chất lượng đảm bảo đúng các tiêu chuẩn, chất lượng Nhà nước quy định. 

Ðiển hình đã tổ chức nghiên cứu thực nghiệm và chủ động sản xuất các giống lúa OM576, OM5451, OM18, ST24, ST25, OM1352, TBR39, Ðài thơm 8 THM... được trồng và đánh giá rất phù hợp với nhiều vùng đất của tỉnh Cà Mau, cho năng suất, chất lượng vượt trội hơn các giống lúa địa phương. 

Ðặc biệt đã chọn tạo được các giống lúa mới Camau 1, Camau 2, Camau 3. Ðây là những giống lúa có đặc tính tốt, như năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh, chịu phèn, mặn tốt, là những giống chủ lực trong vùng sản xuất lúa - tôm của tỉnh Cà Mau.

Ðịnh hướng trong phát triển cây lúa nhằm phát huy những tiềm năng từ điều kiện tự nhiên của tỉnh, ông Quân cho biết thêm: "Cà Mau đang tập trung phát triển lúa hữu cơ, lúa an toàn gắn với hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, hàng hoá cho người dân. 

Thời gian tới, ngành tiếp tục hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Ðặc biệt, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2025 có từ 15-20% sản phẩm lúa được tiêu thụ qua hình thức liên kết chuỗi".

Trong định hướng phát triển nền nông nghiệp, hiện nay tỉnh Cà Mau đang xúc tiến thành lập 2 khu và 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao. 

Cụ thể là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản (tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), với diện tích 4.320 ha; Khu nuôi trình diễn và chuyển giao công nghệ Việt - Úc (tại xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển), với diện tích 171,778 ha; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản (tại xã Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, huyện Ðầm Dơi), với quy mô dự kiến 1.000 ha; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh), quy mô dự kiến 139,98 ha. 

Khi các khu này hình thành sẽ tạo nhiều bước đột phá cho nền nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm mới, với kỹ thuật hiện đại, tiến tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất các mặt hàng nông sản, hàng hoá có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Cà Mau.

Nguyễn Phú (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem