Cà Mau: Ngành thủy sản đi lên trong gian khó

Thứ sáu, ngày 24/02/2012 13:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2009, tỉnh Cà Mau bắt đầu triển khai Đề án “Nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009 - 2012 và định hướng đến năm 2015”, cùng chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích. Các hoạt động này đã vực dậy sự phát triển của nghề nuôi tôm trên địa bàn.
Bình luận 0

Phát triển chưa đồng đều

Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho hay: “Năm 2011 được xem như cột mốc đánh dấu sự thành công của đề án lúa - tôm. Theo đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp (CN), tôm quảng canh cải tiến (QCCT) tăng đột biến, góp phần rất lớn cải thiện tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản”.

img
Mô hình nuôi tôm công nghiệp ở huyện Đầm Dơi.

Năm 2010, tại Cà Mau, diện tích nuôi tôm CN chỉ khoảng 1.500ha, tôm QCCT là từ 3.500ha, đến năm 2011, các con số này đã tăng lên lần lượt là 3.307ha và 10.000ha. Ngoài ra, diện tích lúa trên đất nuôi tôm cũng được cải thiện đáng kể từ năng suất đến chất lượng. Nhiều mô hình đa cây, đa con bền vững cũng được nhân rộng ở các địa phương. Giá cả các mặt hàng ổn định ở mức cao nên người nuôi có lãi nhiều.

Tuy nhiên, kinh tế thủy sản ở Cà Mau thời gian qua phát triển chưa đồng đều, vẫn còn một số địa phương như huyện Ngọc Hiển và Năm Căn nuôi tôm đạt hiệu quả không cao. Ở những vùng đất này không nuôi tôm kết hợp với trồng lúa được, chỉ có thể nuôi tôm kết hợp với trồng rừng. Tuy con tôm và cây rừng có thể tồn tại song hành, nhưng khó có thể nâng cao năng suất.

Hai mô hình có năng suất cao là nuôi tôm CN và QCCT thì ở các huyện này không phát triển được do đất tôm - rừng khó giữ nước và xử lý kỹ thuật. Mặt khác, muốn làm đầm nuôi tôm CN hoặc QCCT thì phải phá rừng. Do đó, người nuôi tôm ở những khu vực này đang gặp phải tình trạng diện tích đất nuôi tôm lớn nhưng năng suất tôm thấp.

Vẫn còn “hụt hơi”

Tỉnh Cà Mau cũng đang phải đối mặt với tình trạng phát triển diện tích nuôi tôm tràn lan, ngoài quy hoạch. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2011, diện tích nuôi tôm CN đã tăng gấp 2 lần, từ 1.500ha năm 2010 lên 3.278ha. Ngay đầu vụ năm nay, người nuôi tôm trong tỉnh đã gặp khó khăn là thiếu máy móc phục vụ việc đào ao nuôi. Thách thức thứ 2 là tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát mạnh. Và do thắt chặt tín dụng cũng như việc cắt giảm đầu tư phần nào ảnh hưởng đến việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi cũng như việc vay vốn để sản xuất.

Ông Phạm Thanh Vân -Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Vùng đất này chỉ có thể trồng rừng kết hợp nuôi tôm quảng canh truyền thống và có xử lý nước bằng chế phẩm sinh học”.

Ông Châu Công Bằng lo lắng: “Mặc dù tỉnh đã rất quyết liệt trong ban hành cơ chế chính sách phát triển vùng nuôi tôm CN, nhưng tiến độ còn chậm. Cùng với sự phát triển ồ ạt diện tích tôm CN thì môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Liên kết 4 nhà cũng chưa được thực hiện tốt nên nông dân còn gặp nhiều rủi ro trong sản xuất. Đặc biệt một số vùng như Năm Căn, Ngọc Hiển còn khó khăn trong tìm mô hình nuôi phù hợp”.

Đây là thời điểm mang tính chất quyết định để kế hoạch 10.000ha tôm CN trở thành hiện thực trong năm 2015. Bởi khi nuôi tôm quảng canh truyền thống không còn bảo đảm thu nhập thì nông dân sẽ chuyển dần sang nuôi tôm QCCT và CN. Tuy nhiên nếu không khống chế được dịch bệnh, đảm bảo chất lượng con giống, nguồn nước và có chính sách hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật tốt thì nuôi trồng thủy sản vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem