Một ông nông dân Bình Thuận nhường nhà tình thương cho người khác nghèo hơn

Bùi Phụ Thứ sáu, ngày 31/03/2023 12:46 PM (GMT+7)
Trong một chuyến công tác về xã miền núi Đa Kai huyện Đức Linh (Bình Thuận), chúng tôi nghe bà con nói nhiều về vợ chồng một lão nông nghèo, cơ cực cả đời để dành tiền nuôi các con học đại học…Đặc biệt, ông đã từ chối nhận tiền xây nhà tình thương để nhường cho hộ nông dân khác nghèo hơn…
Bình luận 0

Nghèo nhưng nuôi 5 người con vào đại học

Thông tin về lão nông ấy cứ thôi thúc mãi trong tôi và một ngày cuối tháng 3/2023, chúng tôi cùng lãnh đạo Hội Nông dân xã Đa Kai và huyện Đức Linh đã đến thăm lão nông Vũ Văn Giáp (66 tuổi) ở thôn 8 xã Đa Kai.

Chúng tôi rất sảng khoái khi đi trên con đường bê tông rộng, hai bên có nhiều sắc hoa vàng- đỏ đẹp mắt dài hơn 3km từ chợ xã về nhà lão nông Vũ Văn Giáp.

Lão nông dân từ chối nhận nhà tình thương để nhường cho người khác nghèo hơn mình - Ảnh 1.

Lão nông Vũ Văn Giáp (giữa) giới thiệu những trái ca cao chất lượng vừa thu hoạch từ vườn... Ảnh: Bùi Phụ

Khi chúng tôi đến, cũng là lúc lão nông Vũ Văn Giáp đã thu hoạch trái ca cao từ vườn về nhà. Nhìn căn nhà mới, rộng hơn 150 mét vuông đẹp, khang trang, giống như căn biệt thự nhỏ ẩn mình trong khu vườn rộng lớn, chúng tôi không dám nghĩ đây là căn nhà của một lão nông mà hơn chục năm trước từng thiếu thốn nhiều thứ…

Rót chén chè xanh mời khách phương xa, vợ chồng lão nông Vũ Văn Giáp nở nụ cười thân thiện, phúc hậu, kể lại hành trình thoát nghèo của mình và đến chuyện có cơ ngơi như hôm nay.

“Khoảng năm 1990, gia đình tôi từ Bắc vào đây định cư. Lúc ấy vùng này dân cư thưa thớt, cuộc sống lúc đó gặp nhiều gian nan, vất vả. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, gia đình tôi có được hơn 1,1 ha đất nông nghiệp. Hai vợ chồng làm việc suốt ngày để chăn nuôi, trồng trọt để có cái ăn qua ngày chứ không dám nghĩ đến chuyện có dư, để dành. Vậy mà trời thương, đất không phụ người, nên gia đình tôi mới nuôi được 5 đứa con trưởng thành, ăn học tới nơi tới chốn như hôm nay…”, ông Giáp kể lại.

Lão nông dân từ chối nhận nhà tình thương để nhường cho người khác nghèo hơn mình - Ảnh 2.

Lão nông Vũ Văn Giáp bên những trái cao cao mới thu hoạch... Ảnh: Bùi Phụ

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây ca cao, vợ chồng ông cho biết, nhờ vườn cây này mà vợ chồng ông nuôi được 5 đứa con vào đại học. Người con trai thứ hai hiện giờ làm công an đang công tác ở Công an TP.HCM. 

Hai đứa con gái giữa, một đứa tốt nghiệp ngành y dược, một đứa tốt nghiệp quản trị kinh doanh. Theo lời ông Giáp, cả 3 đều có gia đình riêng, thu nhập ổn định ở TP.HCM, hàng tháng đều gửi tiền về cho vợ chồng ông chi tiêu.

Còn người con trai út vừa tốt nghiệp kỹ sư trường Đại học Nông lâm TP.HCM hiện đang đi làm và ở Sài Gòn và chưa có gia đình.

“Riêng đứa con trai lớn nhất, là anh cả trong gia đình, sau khi tốt nghiệp loại giỏi kỹ sư giỏi của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đi làm được một thời gian thì bị TNGT qua đời ở Đồng Nai…”, ông Giáp buồn giọng.

Theo lời vợ chồng ông Giáp, để có tiền nuôi 5 người con ăn học thành tài, 2 vợ chồng ông làm ngày, làm đêm. Từ nuôi gà – dê đến trồng điều, trồng chuối, cây ca cao...

“Vất vả bao nhiêu vợ chồng tôi cũng chịu được, miễn sao các con tôi được ăn học tới nơi, tới chốn là vợ chồng tôi hạnh phúc lắm rồi…”, ông Giáp nói.

Lão nông dân từ chối nhận nhà tình thương để nhường cho người khác nghèo hơn mình - Ảnh 4.

Vợ chồng lão nông Vũ Văn Giáp trong căn nhà mới khang trang... Ảnh: Bùi Phụ

Nhường nhà tình thương cho người nghèo hơn

Theo Hội Nông dân huyện Đức Linh, vào khoảng thời điểm trước năm 2010, nhiều năm liền gia đình ông Vũ Văn Giáp là nông dân giỏi, vượt khó, gia đình nông dân gương mẫu của xã Đa Kai. Tuy nghèo, nhưng vợ chồng ông Giáp luôn vượt khó để nuôi con cái được đến trường, vào TP.HCM học đại học.

Theo UBND xã Đa Kai, chính cách sống và nuôi dạy con cái nên người, giúp đỡ bà con hàng xóm, nên nhiều năm liền ông Giáp được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn 8 của xã Đa Kai.

Thời điểm này, gia đình ông Giáp còn nghèo, thiếu trước hụt sau, sống trong căn nhà cũ nát, nên được cấp xã và huyện xét tặng cho ông một căn nhà tình thương trị giá 60 triệu đồng.

Theo anh Vũ Xuân Quang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Kai, thời điểm này bác Giáp xứng đáng là người được nhận tiền xây nhà tình thương. Nhưng bác Giáp không nhận mà nhường phần tiền đó cho người khác nghèo khó hơn mình.

“Việc từ chối nhận tiền, để nhường cho người khác nghèo khó hơn mình của gia đình bác Giáp, khiến nhiều người trong xã nể phục…”, anh Vũ Xuân Quang nói.

Dẫn chúng tôi tham quan căn nhà mới, bác Giáp cho biết, căn nhà này mới xây khoảng 3 năm nay. Tổng giá tiền gần 800 triệu đồng bằng nguồn tiền tích lũy của gia đình và các con của bác đóng góp. Theo lời bác Giáp, nhờ đi làm thu nhập ổn định nên số tiền xây căn nhà mới này do các người con của bác đóng góp là chính…

Chúng tôi hỏi, hơn chục năm trước, gia đình bác còn nghèo, sống trong căn cũ, thấp sao lại từ chối nhận tiền xây nhà tình thương?

Trầm ngâm một hồi bác Giáp tâm sự: “Đúng là hồi lúc đó gia đình tôi còn nghèo lắm, cần tiền lắm chứ, nhưng lúc đó tôi làm trưởng thôn 8,  biết nhiều gia đình thiếu thốn, nghèo khó hơn mình nên tôi từ chối. Bởi tôi tin các con tôi đã lớn, chuẩn bị ra trường, đi làm sẽ có tiền. Mặt khác, tôi cũng tin vào sức lao động của mình bởi gia đình tôi còn có đất làm nông nghiệp. Nếu tôi ráng chịu cực hơn tí nữa là vượt qua được thôi! Và như nhà báo thấy đó, thành quả như hôm nay tôi tin là quyết định từ chối nhận nhà tình thương của mình lúc đó là đúng đắn…”.  

Lão nông dân từ chối nhận nhà tình thương để nhường cho người khác nghèo hơn mình - Ảnh 5.

Vợ chồng lão nông Vũ Văn Giáp trước căn nhà mới khang trang... Ảnh: Bùi Phụ

Hiện tại, vợ chồng lão nông Vũ Văn Giáp vẫn giữ nghề nông như nuôi dê, trồng cao cao và điều... để bán cho những khách hàng quen. Bởi ông cho rằng, chính cái nghề nông này, vợ chồng ông mới nuôi được các con trưởng thành như ngày hôm nay. Và ông sẽ làm nông cho đến lúc... không còn sức làm nữa!

Riêng những người con của ông lập nghiệp ở TP.HCM nhưng hàng tháng thay phiên nhau về chăm sóc cha mẹ. Nhiều hộ nông dân trong thôn 8 cho biết, gia đình ông Giáp là một gia đình rất hạnh phúc...

Theo Hội Nông dân huyện Đức Linh, xã Đa Kai là vùng đất nông nghiệp trù phú, cho ra nhiều cây ngon, quả ngọt, đời sống bà con nông dân khá lên hàng năm…

Đầu năm 2023, xã Đa Kai đã phát động chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã đã đưa ra những chỉ tiêu chủ yếu, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh cơ giới hóa phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để người dân có lãi trên cùng một đơn vị diện tích. Tập trung đầu tư, đẩy mạnh hợp tác liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng đến các sản phẩm OCOP tại địa phương.

Cùng với đó, tập trung quản lý và thực hiện quy hoạch nông thôn, bảo dưỡng các công trình đã được đầu tư, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh – sạch – đẹp. Phấn đấu đến năm 2024, xã Đa Kai sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Lão nông dân từ chối nhận nhà tình thương để nhường cho người khác nghèo hơn mình - Ảnh 6.

Lão nông Vũ Văn Giáp thu hoạch ca cao... Ảnh: Bùi Phụ

Theo Hội Nông dân xã Đa Kai, trong năm 2022 vừa qua, nông dân xã Đa Kai đã và đang sản xuất và thử nghiệm mô hình “Thâm canh cây sầu sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP”.

Chương trình do Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện trên địa bàn xã Đa Kai. Có 14 hộ tham gia với diện tích hơn 14 hecta trồng cây sầu riêng.

Theo đó, nông dân canh tác cây sầu riêng theo chuẩn VietGAP, phải được ghi chép quá trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Không được sử dụng các loại thuốc BVTV bị cấm, không có dư lượng chất cấm trên sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Chuyện tiêu thụ sầu riêng trong số diện tích nêu trên sẽ do HTX Thành Thành Công - xã Đa Kai hợp tác bao tiêu.

Theo dự kiến, trong năm 2023, các cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục đưa sầu riêng sản xuất theo mô hình trên đi kiểm nghiệm để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nếu được công nhận, nâng cao giá trị kinh tế, để áp dụng mô hình trên rộng rãi hơn ở xã Đa Kai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem