Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thời điểm này, các vựa thủy sản ở Đắk Nông bắt đầu dồn hàng cho thị trường cuối năm. Nhiều loại thủy sản được bà con chuẩn bị tung ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Những năm qua, nguồn thủy sản nội địa trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Thủy sản được nuôi trong ao, hồ, đầm, lồng bè trên sông, hồ chứa thủy điện, với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tài, xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), có 3 sào ao nuôi cá. Từ đầu năm đến nay, cứ định kỳ 3-4 ngày ông lại vớt cá xuất bán cho thương lái trong vùng.
Ông Tài cho biết: “Do ao hồ có độ sâu, mực nước ổn định, nên cá phát triển nhanh. Gia đình tôi chủ yếu nuôi cá trắm cỏ và cá diêu hồng. Cá được thả nuôi theo hình thức gối đầu, nên tôi có cá bán thường xuyên”.
Theo ông Tài, những ngày cuối tháng 11 âm lịch, mặc dù giá bán trên thị trường vẫn ổn định ở mức cao, nhưng ông quyết định giữ lại ao cá để bán trong dịp cuối năm, với hy vọng giá sẽ cao hơn.
Các chủ nuôi cá lồng bè ở tỉnh Đắk Nông hy vọng có nguồn thu nhập cao dịp xuất bán cá vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Quang, cũng ở xã Nâm N’đir, nuôi trên 500m2 ao cá. Những tháng cuối năm, gia đình ông tăng cường chăm sóc, bổ sung thức ăn để cá trong ao tăng trọng lượng nhằm tăng thu nhập vụ cá tết.
Ông Quang cho hay: “Nếu dịp cuối năm thời tiết nắng nóng, tôi sẽ sử dụng nước ao để tưới cho cà phê và tiện thể vớt cá bán cho chợ tết sẽ được giá cao hơn”.
Theo ông Quang, nuôi cá nếu áp dụng kỹ thuật thì hiệu quả lợi nhuận rất cao. Với 1ha ao hồ, sau 6 tháng nuôi, trọng lượng cá sẽ đạt trung bình từ 0,5 – 0,7 kg đối với loại cá diêu hồng; năng suất cũng đạt từ 12–14 tấn/ha.
Với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, người nuôi cá có thể thu về trên 500 triệu đồng/ha/năm. Trừ các khoảng chi phí, người nuôi cá có lãi trên 200 triệu/ha/năm.
Bên cạnh những hộ nuôi cá ao hồ, dịp này cũng là thời điểm hết sức sôi động tại những vùng nuôi cá lồng bè. Ông Lê Hoài Phúc, nuôi cá lồng lâu năm trên lòng hồ Nhân Cơ (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) đã xuất bán cá từ hơn 1 tháng trở lại đây.
Với hơn 20 lồng cá, ông đã xuất bán dần, số lồng cá còn lại ông cũng đợi thu hoạch bán vào dịp cuối năm. Theo ông Phúc, với giá cá bán tại lồng hiện tại 40.000 đồng/kg, lợi nhuận của các chủ lồng không cao lắm.
Do vậy, ông mong vào dịp cuối năm, giá bán cá sẽ cao hơn, giúp ông bù lại phần nào chi phí đầu vào. Bởi thời gian qua, chi phí mua giống, thức ăn cho cá liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nuôi cá lồng bè.
Theo bà Nguyễn Thị Oanh, chủ vựa cá ở xã Nâm N’đir, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán, các hộ nuôi thủy sản ở các địa phương đã chuẩn bị sản lượng cá lớn, đa dạng chủng loại.
Bà Oanh cho hay, với thị trường tiêu thụ ổn định, việc xuất bán thuận lợi các loại thủy sản phổ thông đã giúp nhiều hộ tăng thu nhập, tiếp tục đầu tư, phát triển nghề nuôi thủy sản.
Ðắk Nông hiện có tổng diện tích mặt nước các sông suối và hồ chứa khoảng 17.500 ha có thể khai thác nuôi thủy sản. Ðến nay, sản lượng thủy sản của tỉnh Ðắk Nông đạt trên 6.000 tấn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông có trên 99% diện tích nuôi thủy sản ở Đắk Nông với quy mô nhỏ; 100% diện tích nuôi áp dụng phương thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi lồng, bè quy mô nhỏ tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Mặc dù nhiều hộ nuôi cá theo phương thức bán thâm canh, nhưng mức độ đầu tư, áp dụng đồng bộ kỹ thuật tốt, nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.