Nông dân “giật mình” vì một quả vải miền Bắc muốn sang Mỹ, phải vượt ngàn km “quá cảnh” miền Nam.
Các DN giật mình vì cả ngàn km ấy là ngàn thứ chi phí, từ vận tải, cho đến bảo quản, và cả những thứ “không chính thức” khác.
Còn những người làm quản lý không thể không giật mình khi cái tối thiểu của tối thiểu về chất lượng xuất khẩu- chiếu xạ để diệt trừ vi khuẩn- cả nước chỉ có hai trung tâm. Và việc thực hiện yêu cầu tưởng rằng phải bắt buộc này chỉ được nhắc tới khi có đòi hỏi từ phía Mỹ.
Hôm qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có một cuộc kiểm tra cơ sở chiếu xạ đầu tiên của miền Bắc.
Chuyện rất đơn giản. Dây chuyền của Trung tâm Chiếu xạ HN có năng lực 20-30 tấn vải, nhãn mỗi ngày.
Cái thiếu chỉ còn là 9 tỷ đồng, khoản tiền nâng cấp kho lạnh mà hiện Bộ KHCN chưa bố trí.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nói ngay: “Ngay trong tuần tới, tôi sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ KHCN để có giải pháp hỗ trợ Trung tâm trong năm 2015”.
Rất quyết đoán. Và rất đáng để tin là ngay vụ vải tới, nông dân miền Bắc không còn phải rồng rắn đưa vải vào Nam nếu muốn xuất khẩu.
Bộ trưởng Phát cũng đã nói tới việc áp dụng- nhấn mạnh là trên diện rộng- các công nghệ an toàn vệ sinh thực phẩm, công nghệ nâng cao giá trị các loại nông sản như những điều kiện để nông sản Việt có thể “vươn tới thị trường xa, giá trị cao, và cạnh tranh được với nông sản các nước khác”.
Nông dân sẽ biết ơn ông nếu điều đó nhanh chóng trở thành sự thật chứ không dừng ở một lời hứa như họ vẫn nghe suốt mấy thập kỷ nay.
Xin cảm ơn Bộ trưởng vì sự quyết đoán của ngày hôm nay. Nhưng vẫn cần phải nhắc là còn có thêm một cái giật mình nữa. Cái giật mình của những người tiêu dùng trong nước.
Bởi nhu cầu ăn quả vải “Tiêu chuẩn xuất Mỹ” giờ đây đã trở thành thiết yếu khi đã rất xa rồi cái thời ăn lấy no, bất kể thứ gì, bất biết tình trạng.
Bởi chuyện tiêu chuẩn Mỹ cho người Mỹ và chẳng cần tiêu chuẩn gì cho đồng bào, ngẫm đi ngẫm lại thấy có gì đó bất ổn.
Bởi chỉ khi chất lượng quả vải bày bán vỉa hè trong nước cũng như quả vải xuất Mỹ thì trồng trọt nói riêng hay nông nghiệp nói chung mới có thể nói đến hai chữ “cạnh tranh”.
Bởi cạnh tranh ở trời ở bể gì mà vẫn thua ngay trên sân nhà thì liệu điều đó còn mấy ý nghĩa!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.