Sau loạt bài mổ bụng moi trứng rùa biển: Đặt "bẫy ảnh" giám sát tại các bãi đẻ của rùa biển

Nhóm PV Điều tra Thứ tư, ngày 21/08/2024 06:55 AM (GMT+7)
Chúng tôi đã dày công cung cấp tư liệu, phối hợp cùng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo và cơ quan hữu trách cả ở Trung ương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Kiên Giang trong các "chiến dịch" ra quân để bảo vệ rùa biển, thú biển.
Bình luận 0
Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 1.

Vẻ đẹp các hòn đảo nguyên sơ ở Côn Đảo.

Tuyến bài điều tra dài kỳ "Xẻ thịt "nàng tiên cá", mổ bụng moi trứng rùa biển" (khởi đăng ngày 5/3/2024 ) của Nhóm Phóng viên Điều tra Dân Việt quanh nạn ăn trộm trứng rùa biển; săn bắt giết mổ buôn bán sử dụng các sản phẩm rùa biển và bò biển - "Nàng tiên cá" (dugong) đã gây hiệu ứng mạnh mẽ, nâng cao nhận thức bảo tồn, ra quân xử lý quyết liệt các đối tượng, các ổ nhóm vi phạm trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện.

Ám ảnh về các ngăn tủ lạnh đầy kín trứng rùa biển

Tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, liên tiếp gần đây, nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm khắc, các vụ khởi tố hình sự, các phiên tòa sau đó đã đưa ra nhiều bản án có sức răn đe giáo dục lớn, góp phần đắc lực vào việc ngăn chặn, tiến tới chấm dứt các thủ đoạn ăn trộm trứng và tàn sát rùa biển.

Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Khắc Pho và vợ, cùng cả gia đình có chung niềm đam mê biển đảo.

Thưa ông, thời gian qua, kiểm lâm VQG Côn Đảo và cơ quan chức năng đã nỗ lực như thế nào để ngăn chặn nạn ăn trộm trứng và giết rùa biển?

Ông Nguyễn Khắc Pho: Thứ nhất, Hạt kiểm lâm đã tăng cường tuần tra, bảo vệ, điều tra, thu thập thông tin về các đối tượng chuyên trộm trứng, săn bắt và giết thịt và trứng rùa biển. Thứ hai, chúng tôi đã quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ như gắn máy "bẫy ảnh", lắp camera giám sát các bãi đẻ, các hòn đảo có rùa biển để tăng cường quản lý. 

Điều này rất hiệu quả, thậm chí, một số "nhân vật" làm nhiệm vụ trên địa bàn đã "lọt vào ống kính" với hình ảnh đang tìm trứng rùa, trên tay cầm dụng cụ xăm trứng bằng sắt dài, các túi đựng trứng rùa. Sau đó, chúng tôi đã phối hợp với Viện kiểm sát, Công an tiến hành kiểm tra, đối chất, bằng video, phân tích, điều tra, xử lý, thông báo đến cơ quan quản lý của đối tượng trên xử lý nghiêm khắc nhất. Nhiều "biện pháp nghiệp vụ" không tiện để kể trên mặt báo cũng đã được đồng loạt triển khai.

Đồng thời, chúng tôi cũng đã tiến hành công tác dân vận bài bản, vận động thu hút người dân, du khách yêu thiên nhiên đến Côn Đảo rồi cùng chung tay với kiểm lâm và cơ quan hữu trách cung cấp tin tố giác, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn rùa biển.

Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 3.

Biển Côn Đảo giàu tiềm năng và có vẻ đẹp lộng lẫy.

Xin ông cho một hình dung chung về các đối tượng tiêu biểu bị xử lý trong 3 năm qua - với các vi phạm về trộm trứng và giết hại rùa biển. Chúng thường có thủ đoạn và hành vi ra sao?

Ông Nguyễn Khắc Pho: Họ thường lén lút, sử dụng các phương tiện tự chế để di chuyển ra các đảo, bãi đá nhằm thực hiện các hành vi phi pháp. Họ cũng rất táo bạo, nhẫn tâm và bất chấp nỗ lực của bà con, cán bộ, những người yêu thiên nhiên cả nước và quốc tế.

Họ lặn xuống biển, thậm chí bắt cả rùa mẹ đang ngủ dưới rạn san hô, rồi giết chúng lấy các bộ phận cơ thể đem bán. Rùa to quá, nặng quá không bế lên thuyền được, chúng buộc dây thừng vào "cụ" rồi kéo vào bờ, giết thịt. Khi chưa có khách đặt hàng mà đã bắt được rùa rồi, chúng buộc dây "cất giấu" cả cá thể rùa sống dưới biển, khi cần thì kéo dây mang vào giết.

Hoặc khi không cần tới thịt rùa, chúng lân la, lén lút tới các bãi vắng, thiếu sự tuần tra, kiểm tra thường xuyên của kiểm lâm để bắt rùa mẹ, mổ bụng, moi ruột, gan; lấy trứng, lấy thịt... rồi phi tan xác rùa mẹ xuống biển. Chúng canh rùa đẻ trên bãi, trộm cắp trứng rùa, đem về tích trữ, cất giấu trong các tủ đông ở nhà riêng rồi đem đi mua bán, tiêu thụ cho một số khách du lịch, một số nhà hàng, khách sạn.

Qua công tác quản lý và theo dõi đối tượng chuyên săn bắt, giết mổ rùa và trộm trứng rùa ở Côn Đảo thời gian qua có một số đối tượng đã bị vạch mặt như: Phạm Văn Tân, Võ Ngọc Trung…và một số đối tượng hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao.

Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 4.

"Cụ" rùa khổng lồ này đã bị mổ bụng, moi hàng trăm quả trứng đem đi bán; tiêu bản của "cụ" giờ ở trong bảo tàng.

Bi kịch từ những du khách "đòi đặc sản" trứng và thịt rùa biển

Vâng, các đối tượng rất nhẫn tâm với rùa biển và tinh ranh trong hoạt động để tránh sự bắt giữ, xử lý của cơ quan hữu trách. Thế nên, khó khăn của công tác bảo vệ rùa biển và trứng rùa biển hiện nay là không hề nhỏ?

Ông Nguyễn Khắc Pho: Khó khăn nhất của việc bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo hiện nay đó là các đối tượng vi phạm ngày càng ranh ma, manh động. Chúng quan sát hoạt động của cơ quan chức năng, lần mò, lút, bất kể đêm hôm, ngày lễ Tết, "hở" ra lúc nào là chúng đi ăn trộm trứng và bắt giết rùa mẹ.

Khó khăn thứ hai là ý thức của một số du khách, người dân của chúng ta vẫn còn thấp. Không ít người vẫn còn thói quen tò mò thích thử món mà theo lời đồn vỉa hè là "độc lạ", từ đó họ lùng mua và kích thích các hành vi ăn trộm trứng rùa, giết rùa xẻ thịt đem đi buôn bán. 

Nhưng sự thật là, hầu hết những người "trót ăn" đều thừa nhận: thịt và trứng rùa chả ngon lành béo bổ gì, chúng rất tanh. Và ăn thứ không ngon ấy lại có thể mắc án, bị khởi tố hình sự, thì quả là rất đáng tiếc. Đấy là chưa kể, các đối tượng thường ướp tẩm bảo quản thịt rùa bằng hóa chất, tiềm tàng nguy cơ bệnh tật cho thực khách.

Trước tình hình "nóng" kể trên, chúng tôi nghĩ rằng: các cơ quan liên ngành cần tập trung làm rầm rộ chiến dịch truyền thông, tuyên truyền, vận động tất cả mọi người cùng nâng cao nhận thức bảo tồn, tố giác các hành vi sai phạm. Cán bộ và người dân cần làm gương, góp phần "giác ngộ" những người còn có suy nghĩ bắt, giết rùa, coi rùa biển và trứng của chúng là "đặc sản", "món lạ". 

Thứ nữa, cần thường xuyên, kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, theo dõi và bắt giữ, xử lý nghiêm khắc các "trùm" săn bắt, giết mổ rùa biển và ăn trộm trứng rùa biển; cũng như kiên quyết xử lý bất cứ người nào tiêu thụ, vận chuyển, sử dụng sản phẩm từ rùa biển.

Câu chuyện về nhóm du khách bị bắt giữ ở sân bay Côn Đảo, rồi bị khởi tố vào tháng 8 năm 2023 vừa qua, do mang 4 quả trứng vích (rùa biển) với mục đích làm "quà" - là một bài học đau lòng. Cả nhóm 4 người trong một gia đình gồm Đỗ Thị Lệ Hoa (SN 1975, người Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) và con dâu bà Hoa (SN 1992), kèm theo một lái xe taxi ở Côn Đảo, một công dân Côn Đảo khác đều bị khởi tố vì 4 quả trứng vích bé đúng bằng quả bóng bàn! Vì vụ này mà bao cơ quan ban ngành, từ huyện, tỉnh, tới Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật ở Hà Nội đều phải vào cuộc. Bốn người bị khởi tố hình sự như vậy có đáng không?

Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 5.

Rùa biển ở Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một điều đặc biệt nữa, cơ quan chức năng thậm chí đã treo giải thưởng cho người nào có công tố giác đối tượng vi phạm các quy định về bảo vệ rùa. Điều này thể hiện rất sâu sắc quyết tâm của chúng tôi trong việc bằng mọi giá ngăn chặn các đối tượng, các đường dây vi phạm.

Đúng như loạt bài trên Dân Việt đã phân tích, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm không phải là quá khó. Tuy nhiên, án phạt cho các đối tượng "chuyên nghiệp" này thường là chưa đủ sức răn đe, sau khi được thả ra, chúng thường tiếp tục tái phạm. Điều này là khá phổ biến. Thế nên, nâng cao chế tài xử lý, nâng cao án phạt để thêm sức giáo dục răn đe các đối tượng vì phạm, là cần thiết vào lúc này.

Thưa ông, sau nhiều năm tâm huyết với bảo tồn rùa biển và đa dạng sinh học ở Côn Đảo, vụ giết hại rùa, ăn trộm trứng rùa nào làm ông "nhớ" nhất?

Ông Nguyễn Khắc Pho: Vụ án Võ Ngọc Trung cùng với vợ (ngụ tại khu dân cư số 3, huyện Côn Đảo) diễn ra vào khoảng năm 2018, để lại cho tôi nhiều ám ánh nhất và suy nghĩ . 

Sau khi có người trình báo thông tin cho tôi rằng: tủ đông lạnh trong nhà của Trung có chứa nhiều thịt và trứng rùa biển. Bằng biện pháp nghiệp vụ được triển khai ngay, sau khi xác minh được thông tin, chúng tôi đã báo cáo nhanh tình hình lãnh đạo huyện và sau đó lực lượng công an cùng với Kiểm lâm được triển khai khám xét, bắt quả tang cả một tủ lạnh lớn, chứa rất nhiều trứng và thịt rùa biển trong nhà Trung. 

Sau đó, Trung bỏ trốn nhưng cuối cùng cả hai vợ chồng Trung đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra cũng còn một vài vụ của các tên khác cũng "không thể nào quên".

Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Khắc Pho (hàng đứng, thứ 4 từ trái sang) trong sự kiện ý nghĩa ngày 17/8/2024 nhằm truyền cảm hứng bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo.

Tôi cũng đã nhiều lần ý kiến với lực lượng chức năng là phải siết chặt xử lý, tịch thu và thậm chí phải đốt bỏ, tiêu hủy các phương tiện tự chế, chuyên sử dụng để săn bắt giết hại rùa và trộm trứng rùa biển vì họ sử dụng những phương tiện, dụng cụ này phá hoại trầm trọng thiên nhiên, đa dạng sinh học của Côn Đảo.

Thậm chí, chúng tôi cũng đã bắt và xử lý các đối tượng trên nhiều lần, tịch thu phương tiện, xử phạt nghiêm khắc, nhưng họ vẫn tiếp tục tự chế thêm các xuồng, bè khác; rồi liên tục… tái phạm.

Tri ân đóng góp đặc biệt của Báo Điện tử Dân Việt / NTNN

Sau khi Báo Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đưa ra loạt bài, tố cáo quyết liệt và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vấn đề này, ông đánh giá thế nào về vai trò của nhà báo điều tra trong việc hỗ trợ công tác bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo và công tác bảo tồn nói chung?

Ông Nguyễn Khắc Pho: Có thể nói các phóng viên, nhà báo, các cơ báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền thông, lan tỏa điều tích cực, lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm về săn bắt, giết mổ, mua bán động vật hoang dã trái phép, nhất là đối với rùa biển - loài nguy cấp quý hiếm mà chúng ta có trách nhiệm bảo vệ trên toàn cầu. 

Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay đã điều tra, phối hợp hỗ trợ Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện chiến dịch truy bắt và xử lý những vi phạm pháp luật kể trên. Chính tôi đã ký Giấy khen, tri ân đóng góp của một trong các tác giả loạt bài báo kể trên trong "Bảo tồn Thiên nhiên ở Côn Đảo" nói chung và chống nạn bắt giết, trộm trứng rùa biển nói riêng.

Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 7.

Một hòn đảo của VQG Côn Đảo.

Côn Đảo được đánh giá cao về mô hình ấp, nở trứng rùa tại một khu Khách sạn 5 sao. Kỹ thuật ấp nở và thả rùa con về đại dương được tập huấn đúng tiêu chuẩn cho nhân viên của khu nghỉ dưỡng, lại cho du khách trong và ngoài nước được "trải nghiệm" rùa con ra đời và được thả về đại dương một cách đầy nhân văn. Vừa rồi, tôi theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng Sinh học của ASEAN ra thăm mô hình trên và rất ấn tượng?

Ông Nguyễn Khắc Pho: Đó là "Sáng kiến bảo tồn" đặc biệt của chúng tôi, triển khai từ năm 2017. Cụ thể, thay vì để trứng rùa ở các bãi rùa sinh sản mà thiếu người canh giữ; thay vì đưa du khách ra ngoài đảo xa sóng to gió lớn để xem rùa và thả rùa "đồng hành" cùng rùa con sơ sinh đội vỏ trứng chào đời, sau đó về với đại dương, Khu nghỉ dưỡng đã phối hợp với các chúng tôi thực hiện việc thu gom, vận chuyển trứng của rùa biển tại các bãi đẻ hay bị trộm trứng nhiều nhất. Rồi đem các ổ trứng ấy vào "trại rùa tại Khu Resort" đã được gắn trang thiết bị theo dõi và giám sát; và phối hợp với cán bộ kiểm lâm cùng chuyên gia để tập huấn các kỹ năng chăm sóc trứng rùa, "ấp", nở rồi đưa chúng trở lại đại dương. 

Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 8.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh tham quan mô hình ấp nở, trả rùa con về đại dương.

Việc thả rùa sơ sinh về biển trong sự chứng kiến của du khách trong và ngoài nước, đã khiến họ cảm thấy hấp dẫn, thú vị và rất có tác dụng trong nâng cao nhận thức bảo tồn rùa biển. Mô hình phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp, người dân, du khách và cơ quan chức năng này đã được đánh giá rất cao.

Thường thì mỗi năm, chúng di dời khoảng hơn 100 tổ với chừng 1.000 quả trứng rùa biển về với khu nghỉ dưỡng kể trên. Trừ đi các rủi ro tự nhiên trong quá trình ấp nở trứng rùa, thì theo đó, ít nhất số lượng rùa sơ sinh được thả về đại dương từ mô hình này cũng ở con số 7.000 đến 8.000!

Cài "bẫy ảnh" và camera giám sát tại các bãi đẻ của- Ảnh 9.

Rùa con về với đại dương, sau quá trình ấp nở thành công trên đảo Bảy Cạnh, Côn Đảo.

Khoảng 200 ngàn rùa con được ấp nở, thả về với biển mỗi năm

Trên quy mô toàn Côn Đảo, hiện nay, mỗi năm có khoảng 200 ngàn rùa con được ấp nở, thả về với biển. Mà chúng tôi làm việc đó từ năm 1995. Quần thể rùa con trở về với biển của Côn Đảo có thể nói là lớn nhất Việt Nam; thậm chí là lớn nhất Đông Nam Á. Các bạn rùa này không chỉ tập trung ở vùng biển Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà chúng còn phát tán "mở rộng vùng sinh sống" sang vùng biển của một số tỉnh, một số tỉnh miền Trung như Bình Định, Quảng Nam, Ninh Thuận…; kể cả sang vùng biển, các đảo một số nước như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Đây có thể nói là một tín hiệu rất đáng mừng trong công tác bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo của chúng ta trong nhiều năm qua.

Chân thành cảm ơn ông với cuộc trò chuyện tâm huyết!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem