Cái sự nhà văn hóa

Thứ bảy, ngày 06/08/2011 18:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phải gọi là “cái sự” vì lâu nay các nhà văn hóa ở các xã, phường thường là xây xong rồi bỏ không đấy, dân chẳng mấy đến, mà có đến cũng ít có hoạt động gì. Nghĩa là có cái nhà xây ra, có mấy cuốn sách tờ báo bỏ vào, có hàng rào cổng sắt, và không có người. Vì sao lại thế?
Bình luận 0

Chủ trương xây nhà văn hóa ở xã, phường để nhân dân có chỗ hội họp, vui chơi, giải trí, đọc sách báo nâng cao hiểu biết, là một chủ trương đúng, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhưng một chủ trương đúng chưa hẳn đã đưa lại kết quả tốt khi việc thực hiện thiếu căn cứ vào tình hình thực tế của từng nơi, từng vùng, thiếu căn cứ vào nhu cầu thực tế của dân.

Ở đâu nhà văn hóa cũng giống nhau ở chỗ xây một cái nhà, trương một tấm biển, nhưng nội dung hoạt động thế nào cho cái nhà đó thực sự thu hút, lôi kéo được người dân đến tham gia thì các cấp chính quyền, những người làm văn hóa ở địa phương lại không quan tâm đầy đủ.

Cái chính của nhà văn hóa là để cho người dân khi đến đó được hưởng thụ văn hóa đúng nghĩa, được vui vẻ thoải mái, được tham gia nhiều loại hình hoạt động thể thao, văn hóa, vui chơi. Nhà văn hóa không phải lập ra cho có, cho chứng tỏ có sự quan tâm, mà phải thực sự đáp ứng nhu cầu cần thiết của dân. Và điều quan trọng là phải để cho dân thành chủ thể thực sự của nhà văn hóa.

Chúng ta thường thích làm theo phong trào, thường rập khuôn trong các mô hình. Nhà văn hóa, cũng như làng văn hóa, bây giờ mọc lên khắp nơi, nhưng thực chất và hiệu quả không cao, khi nó thường là gắn từ ngoài vào, chứ không phải xuất phát từ đòi hỏi của đời sống và yêu cầu của người dân.

Cần phải có những người làm văn hóa ở xã, phường luôn tận tụy với công việc, có tri thức hiểu biết, biết tìm cách vận động nhân dân đến với văn hóa, ra nhà văn hóa, biết tạo hứng khởi cho mọi người tham gia các hoạt động văn hóa thiết thực và bổ ích ngay tại nơi mình ở. Muốn thế, họ phải được đào tạo cơ bản. Muốn thế, họ phải được chăm sóc về vật chất. Muốn thế, họ phải được có các điều kiện làm việc cần thiết.

Nhà văn hóa không nên hoạt động theo kiểu hành chính, đóng mở cửa theo giờ, đi qua về lại cứ thấy cái khóa chốt lấy cánh cổng, nhìn đã không muốn vào, nói gì đến tham gia, tham dự... Dân gian từ xưa luôn có các hình thức tập hợp, tổ chức đời sống văn hóa của mình tự phát, tự nguyện mà đông vui, hấp dẫn và gây kích thích, chờ đợi. Hoạt động của các nhà văn hóa hiện nay, nhất là ở nông thôn, có lẽ cũng cần nên được triển khai như vậy. Khi đó người dân sẽ có nhiều sáng kiến chủ động tạo ra các hình thức hoạt động, các nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, và họ sẽ tự nguyện tham gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem