Ông Bùi Văn Tiến, một trong những tỷ phú trồng cam ở khu 3, thị trấn Cao Phong vui vẻ nói: “Hiện tôi có 5ha cam, doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Trước đây cam Cao Phong đã được xuất khẩu đi Liên Xô (cũ) nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu nên giá bán còn thấp. Nay được cấp chỉ dẫn địa lý, chắc chắn giá trị trái cam Cao Phong sẽ được nâng lên”.
Để bảo vệ thương hiệu chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, người trồng cam có vai trò rất quan trọng.
Ông Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở KHCN Hòa Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 2.000ha cam, trong đó Cao Phong có 1.200ha. Sau nhiều năm nghiên cứu, Sở đã chọn lọc được 4 giống cam thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và có chất lượng tốt như: CS1, cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh. Song song đó, Sở đã triển khai thí điểm các mô hình trồng cam theo quy trình VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý Cao Phong” cho cả 4 giống cam trên. Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cũng lưu ý, sau khi cam Cao Phong được cấp chỉ dẫn địa lý, người dân cũng như chính quyền địa phương cần bảo vệ và phát triển thương hiệu nhằm phục vụ đắc lực cho hoạt động thương mại, mở rộng thị trường; bên cạnh đó, cần thành lập Hiệp hội cam Cao Phong để quản lý tốt và đấu tranh với những hành vi giả mạo cam Cao Phong.
Ông Bùi Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở KHCN Hòa Bình cho biết thêm, cùng với việc bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, Sở đang nghiên cứu tìm ra phương thức sản xuất tốt nhất nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng cam. Ông Thắng nói: “Hiện giá thành sản xuất cam khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, mục tiêu của chúng tôi là hạ xuống khoảng 5.000 đồng/kg để giúp người tiêu dùng được ăn trái cam đặc sản với giá “mềm” hơn, quan trọng là người trồng đảm bảo có lãi. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mía tím”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.