Cần chú trọng vấn đề nông dân mất đất

Thứ hai, ngày 18/10/2010 08:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã có sự thay da đổi thịt, nhiều lĩnh vực phát triển nhanh mạnh. Riêng nông nghiệp, nông thôn có sự thay đổi lớn, đời sống của nông dân đã khá hơn rất nhiều.
Bình luận 0
img
Cùng với việc thu hồi đất, phải tạo dạy nghề và tạo việc làm cho nông dân để họ đảm bảo cuộc sống (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, trong thực tế cuộc sống hiện nay, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa giàu và nghèo ngày càng cách xa. Tệ cửa quyền quan liêu, mất dân chủ, lãng phí, tham nhũng còn không ít trong bộ phận quan chức đè nặng lên cuộc sống ở nông thôn.

Lối sống đồi trụy, thể hiện sự suy thoái về đạo đức, nhân cách đang phổ biến trong một bộ phận cán bộ, nhất là lớp trẻ, làm băng hoại những giá trị có tính chất truyền thống tốt đẹp ở nông thôn. Việc khai thác tài nguyên, phát triển các khu công nghiệp, xây thủy điện đang có tình trạng ào ạt, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu phân vùng, phân cấp, mạnh ai nấy làm đang làm nghèo kiệt nông thôn, dẫn đến ô nhiễm môi trường, gây bất an cho cuộc sống nông dân.

Từ thực trạng như vậy, tôi có mấy kiến nghị xin được đóng góp cho các văn kiện Đại hội XI. Nên lưu ý bố trí các khu công nghiệp, nhà máy lên miền trung du, đồi gò vừa tránh lũ vừa giữ được đất sản xuất lương thực, tránh gây xáo trộn đời sống nông dân. Về công nghiệp nên chú trọng phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, linh kiện... Hiện nay công nghiệp nặng về liên doanh, phụ thuộc vào nước ngoài. Có chính sách đầu tư trực tiếp cho phát triển ngành nghề, du lịch, dịch vụ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp...

Về nông nghiệp, cần có quy hoạch phân vùng tổ chức lại sản xuất, có chiến lược đầu tư về giống cây con (cần chọn một số cây con chính để đầu tư như lúa, ngô, cà phê, cao su, cá, bò...). Đối với nông dân và nông thôn, cần có chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, công cộng.

Nông dân cần việc làm, nhà ở ổn định vì trong quá trình CNH-HĐH, nông dân sẽ mất đất đồng nghĩa với mất nghề nghiệp. Dù được bồi thường (ruộng đất, nhà cửa...) cao bao nhiêu mà nhà nước không có chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm thì tiền bồi thường chỉ trong thời gian ngắn sẽ hết, nông dân sẽ thiếu đói.

Cần đầu tư cho bảo vệ môi trường nông thôn, dạy nghề và trợ giúp pháp luật cho nông dân. Đại hội XI phải là đại hội Đổi mới, nông dân đang kỳ vọng Đảng sẽ có những chủ trương cụ thể cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Những chủ trương đó phải gắn liền với cơ chế, chính sách cụ thể.

Khi Đảng mới ra đời, Đảng chủ trương “Người cày có ruộng” hợp lòng dân, nông dân toàn quốc một lòng đi theo Đảng. Ngày nay, Đảng chủ trương CNH - HĐH thì nông dân cũng sẵn sàng giao ruộng đất, nhà cửa để nhà nước thu hút đầu tư, tiến hành CNH, nhưng Đảng phải lưu tâm nhà nước việc dạy nghề, tổ chức sản xuất, tạo việc làm cho nông dân mất ruộng.

Cần điều tiết bớt nguồn lực của lực lượng giàu lên nhờ khai thác tài nguyên, nhờ cơ chế chính sách ưu đãi, nhờ công sức lao động của nhân dân... để đầu tư lại cho những vùng khó khăn. Vừa qua vấn đề này chỉ mới làm ở mức độ vận động từ thiện, tôi thấy như vậy là không hợp lý.

Theo tôi, cần có chế tài rõ ràng, ai khai thác tài nguyên phải trích lợi nhuận để lại xây dựng công trình phúc lợi. Lấy đất xây dựng khu công nghiệp thì nông dân được dùng giá trị đất để góp cổ phần và được chia sẻ quyền lợi cùng nhà đầu tư, hoặc nhà đầu tư phải có trách nhiệm bỏ tiền đào tạo nghề cho nông dân để họ trở thành công nhân, nhà quản lý của doanh nghiệp trên mảnh đất của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem