Căn cứ để ông Nguyễn Quang Tuấn được đề nghị mức án dưới khung truy tố?

Q.Trung Thứ ba, ngày 18/04/2023 20:20 PM (GMT+7)
Luật sư đã nêu quan điểm về lý do vì sao ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội được đề nghị mức án dưới khung truy tố.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Quang Tuấn bị đề nghị án 4 đến 5 năm tù

Sáng 18/4, đại diện Viện KSND Hà Nội nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 12 bị cáo trong vụ sai phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội dưới thời ông Nguyễn Quang Tuấn làm giám đốc.

Căn cứ để ông Nguyễn Quang Tuấn được đề nghị mức án dưới khung truy tố? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: V.Â

Theo đó, sau khi trình bày quan điểm, VKS đề nghị phạt ông Nguyễn Quang Tuấn 4-5 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội này, VKS đề nghị phạt các bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó giám đốc Bệnh viện Tim) và Đoàn Trọng Bình (cựu Phó phòng Vật tư) cùng mức án 30-36 tháng tù…

Trong cáo trạng ban hành trước đó, VKS truy tố ông Nguyễn Quang Tuấn và 11 đồng phạm ở khung hình phạt 10 đến 20 năm tù, theo Khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự.

Ông Nguyễn Quang Tuấn được đề nghị mức án dưới khung dựa theo căn cứ nào?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao ông Nguyễn Quang Tuấn lại được đề nghị mức án thấp hơn khung truy tố?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự mà ông Nguyễn Quang Tuấn và những người khác bị truy tố có khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù với tình tiết định khung là gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.Theo phân loại tội phạm, khung hình phạt này là đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự năm 2015, khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự để cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt, tại khoản 1, khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Từ quy định trên, có thể thấy, nếu bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bản thân đã khắc phục hậu quả nộp lại số tiền vi phạm (có từ 2 tình tiết giảm nhẹ) nên bị cáo có thể được hưởng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Khung liền kề trong vụ việc này là khoản 2 Điều 222 có hình phạt 3 đến 12 năm.

Ngoài ra, luật sư Đồng cho biết, theo quy định pháp luật, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người vi phạm mà còn có tác dụng giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới và để sửa chữa lỗi lầm. Đây là tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam.

Vì vậy, trong vụ việc này, VKS đề nghị cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn mức hình phạt 4 đến 5 tù là có căn cứ. Tuy nhiên đây chỉ là đề nghị của đại diện VKS, Hội đồng xét xử sẽ đánh giá, xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng.

Theo quan điểm luận tội của VKS, giai đoạn 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai thực hiện 5 gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất. Trong đó, một gói thầu tổ chức đấu thầu rộng rãi, 4 gói còn lại theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Do quen biết từ trước, các bị cáo Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) và Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hòa Phát) đã đặt vấn đề và được ông Tuấn chấp thuận cho 2 doanh nghiệp này bán vật tư y tế cho bệnh viện và hợp thức bằng hồ sơ đấu thầu sau.

Quá trình thực hiện, các cựu cán bộ bệnh viện mời Công ty AIC thẩm định giá, nhưng thẩm định theo mức giá đã được ông Tuấn phê duyệt từ trước để hợp thức hồ sơ.

VKS xác định ông Tuấn và các bị cáo đã không thực hiện đấu thầu các gói thầu theo phương thức đấu thầu tập trung mà đồng ý cho 2 doanh nghiệp gửi vật tư trước vào bệnh viện, sau đó mới hợp thức hồ sơ đấu thầu thanh toán.

Hành vi can thiệp trái quy định vào hoạt động đấu thầu này gây thiệt hại cho bệnh viện và quỹ bảo hiểm tổng số tiền hơn 53 tỷ đồng.

Theo VKS, ông Nguyễn Quang Tuấn giữ vai trò chính, là lãnh đạo cao nhất tại Bệnh viện Tim Hà Nội khi xảy ra vụ án nên chịu trách nhiệm cao nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem