Cần “đong đếm” được hiệu quả dạy nghề

Thứ năm, ngày 19/05/2011 21:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là yêu cầu của Dự án Thị trường Lao động EU (CB - TREE) khi triển khai các mô hình hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn Việt Nam.
Bình luận 0

Dự án Thị trường Lao động EU/MOLISA/ILO do Liên minh châu Âu tài trợ đã triển khai chương trình CB-TREE trong 24 tháng, từ tháng 4.2009. Trong 2 năm, dự án này đã thí điểm đào tạo nghề mây tre đan cho 400 lao động nông thôn tại 2 xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) và Mỹ Lộc (Can Lộc) của tỉnh Hà Tĩnh. Kết thúc khoá học, 65% lao động tham gia học nghề có thu nhập cao hơn trước.

img

Sản xuất mây tre đan theo chương trình của CB - TREE.

Để “đong đếm” được hiệu quả của việc dạy nghề, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở LĐTBXH, trưởng ban tư vấn dự án CB – TREE tỉnh Hà Tĩnh cho hay, cách tiếp cận của dự án là dựa vào cộng đồng, bình chọn những người thực sự có nhu cầu muốn học.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard - Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại VN cho biết: Khi bắt tay vào làm, việc đầu tiên dự án CB – TREE thực hiện là khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, sau đó mới đến khảo sát nhu cầu học nghề của người học. Phương pháp này sẽ giúp người lao động có việc làm ổn định.

Sau đó, tỉnh, huyện liên kết với các công ty tổ chức dạy nghề. Cụ thể trong dự án này, Công ty TNHH Đức Phong ký cam kết cung cấp nguyên vật liệu, và bao tiêu sản phẩm trong vào 5 năm. Ngoài ra, trong tháng đầu tiên mỗi nhóm lao động (từ 8-10 người) làm mây tre đan sẽ được hỗ trợ khuôn đan, đặc biệt mỗi nhóm lao động sẽ được hỗ trợ từ 1 đến 2 tấn nguyên liệu thô.

Người lao động muốn tham gia học nâng cao tay nghề sẽ được cán bộ CB – TREE liên hệ giáo viên về hướng dẫn bà con. Ông Sơn cho hay: “Dự án còn có cách làm mới là tiến hành khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trước khi tiến hành khảo sát nhu cầu của người học để nối cầu với cung”.

Thực tế, bà Phạm Thị Hương, nông dân tham gia học nghề ở xã Thạch Xá cho hay: “Đi học nghề mà biết chắc mình có việc làm, có thu nhập thì ai cũng ham”. Từ một vài người học, nghề đan mây tre nhanh chóng lan ra cả những hộ không thuộc diện được đi học.

Nhận xét về mô hình này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho hay: “Chương trình thí điểm CB-TREE đã và đang là những bài học kinh nghiệm đáng quý, góp phần cùng với Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh các cơ hội kinh tế cho người dân ở các vùng nông thôn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem