Nhưng giờ đây, khi rừng đã dần thu hẹp, thay vào đó là vô số chiêu trò làm nhái thứ mật tuyệt diệu của thiên nhiên, nhiều người sẽ chắc nhẩm chẳng dễ gì có được thứ mật ong rừng đúng chất nếu như không nhờ vào tài nghệ săn lùng và cái tâm của người Tây Bắc thật sự.
Người thợ ong đang cẩn trọng leo lên một tổ ong khoái trong rừng (ảnh BVP)
Mãi nghĩ miên man, xe đã tới đất Thuận Châu, nơi có cái tên gọi xa xưa là Mường Mỗi hay Mường Muổi, trung tâm của nền văn hóa Thái, nơi có bao sản vật quý và đặc được bà con khai thác và giữ được giá trị nguyên bản. Nơi quanh năm có những đàn ông vo ve bay đi bởi mảnh đất lành có trăm ngàn loài hoa rừng bừng nở.
Còn nhớ cách đây không lâu, trong lần trở lại mảnh đất đã gắn bó với những năm tháng tuổi thơ, tôi đã gặp lại người bạn trẻ Quàng Thị Thương ở bản Nà Lọ, xã Phổng Lăng. Giờ Thương đã có cửa hàng ong ở Sơn La chuyên bán mật ong, tổ ong, rượu ong, sâu chít… Nhưng nhớ lại ngày đó mới thật gian nan. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, không giống như nhiều bạn bè đi học, đi làm công nhân, thợ thủ công, Thương mê vào rừng tìm mật ong đến mê mẩn. Chẳng biết ngày bé vì mê thứ mật ngọt ấy mà bị kiến cắn, ong đốt thế nào nhưng lúc này cô muốn đem thứ mật nguyên chất đến với những người mua ít ỏi để xua tan cái ấn tượng không tốt về mật ong chế.
Vắt mật ong từ tổ (ảnh BVP)
Màu mật ong rừng vàng sánh (ảnh BVP)
Thương tâm sự, mật ong rừng lúc nào cũng có nhưng rộ nhất vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 9, thời gian còn lại trong năm chỉ lác đác thi thoảng đi rừng mới gặp. Thời điểm duy nhất để tiếp cận tổ ong là vào khoảng chiều tối bởi việc tiếp cận khá nguy hiểm và kì công bởi tổ ong rừng thường làm ở vách đá lộ thiên hay cây cổ thụ.
Thương kể, trước khi neo mình trên vách đá hoặc trèo lên cây cổ thụ người thợ ong phải quần áo dày dặn quanh đầu, đội mũ cối và phủ màn tuyn quanh đầu. Xong hết khâu chuẩn bị mới hun lửa để khói bốc lên nghi ngút lên cho đàn con ong bay hết sạch mình mới chèo lên cây và bỏ vào chiếc thùng mang theo. Sau đó mới thả xuống cho người ở dưới đất đỡ và lấy...
Tổ ong được đem về, Thương và mọi người mới lọc kĩ phần con non và phần mật. Bởi lẽ vì mật trong tổ rừng sắp xếp rất lung tung chứ không như đõ ong nhà nên cô và mọi người phải rất kiên trì lọc hết thì mới vắt được mật. Nhưng với người đam mê với mật ong rừng, cái khó nhất lại là việc lấy mật làm sao để không làm tổn thương đến đàn ong hay làm chúng kinh sợ để chúng còn tìm đến cành cây, hốc đá an toàn mà xây dựng nên tổ mới. Còn gặp tổ ong nào hiền, người thợ ong sẽ để lại một ít mật để đàn lại hình thành và làm lại tổ chỗ cũ luôn.
Trong chiều nắng xuân vàng như mật miền Tây Bắc, tôi cứ ám ảnh bởi sự cần mẫm, miệt mài của những người thợ đem về hương vị thuần chất của núi rừng, những người như "nàng" ong cần mẫn mang đến mật ngọt cho đời và có ý thức giữ gìn cho nguồn tài nguyên quý giá đó không bị cạn kiệt. Để mãi mãi mọi người còn được thưởng thức vị ngọt, vị thuốc của thứ mật lưu giữ hồn vía của núi rừng Tây Bắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.