Can thiệp bầu cử, quan hệ ngoại giao: Tâm điểm Helsinki

Tiểu Đào Thứ ba, ngày 17/07/2018 14:30 PM (GMT+7)
Với vị thế là những nước lớn, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ là sự kiện tâm điểm của chính trị thế giới. Thế nhưng, khi mà cả thế giới đều nín thở hướng về Helsinki, về các vấn đề nóng quốc tế thì Thượng đỉnh Trump – Putin lại chủ yếu xoay quanh quan hệ giữa Washington – Moscow.
Bình luận 0

Với nhiều chuyên gia, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Vladimir Putin thủ đô Helsinki của Phần Lan vào hôm thứ Hai (16.7) vừa rồi có lẽ chỉ mang tính thủ tục, là bước đầu làm nóng mối quan hệ vốn đã bị đóng băng trong nhiều năm liền để “dọn đường” cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Thế nhưng, theo lời khẳng định cuối ngày của cả hai nhà lãnh đạo, Thượng đỉnh đã có những thành công ngoài mong đợi, đem lại lợi ích không chỉ cho Nga và Mỹ mà còn “cho cả thế giới.

Phục hồi quan hệ song phương

Trong buổi họp báo chung cuối hội nghị, Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ đều đồng ý rằng mối quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất và nếu muốn cứu vãn quan hệ song phương, cả 2 bên cần có một chút “chính trị táo bạo”.

“Mối quan hệ của chúng ta đang tệ hơn bao giờ hết. Thế nhưng, điều đó đã thay đổi cách đây khoảng 4 giờ trước (ý chỉ cuộc gặp Thượng đỉnh – PV). Từ chối làm việc với nhau sẽ không giải quyết được việc gì”, Tổng thống Trump tuyên bố.

img

Hai phái đoàn Nga - Mỹ ngồi trên bàn ăn trong phiên thảo luận nhóm.

Cùng có quan điểm này, ông Putin cho rằng không có lý do gì để quan hệ Nga – Mỹ phải dừng ở mức độ hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh và “thời kỳ đối kháng ý thức hệ” đã lùi sâu vào quá khứ. Theo ông Putin, không phải ý thức hệ, các thử thách của hiện tại như xung đột khu vực, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức, môi trường và các mối đe dọa mới là thứ Nga và Mỹ phải cùng nhau đối mặt.

“Chúng tôi đã đề nghị nước Mỹ cân nhắc việc xây dựng triết lý quan hệ song phương dài hạn”, ông Putin nói.

Tuy nhiên, vị chủ nhân Điện Kremlin cũng khẳng định rằng dù ông và người đồng cấp Mỹ đều có “mong muốn chung” là phục hồi quan hệ song phương, cả hai cũng đều có nghĩa vụ đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

“Không tin một ai cả. Tại sao các vị lại nghĩ tôi nên tin ông Trump hay ông Trump nên tin tôi?”, ông Putin đặt câu hỏi với các phóng viên có mặt tại buổi họp báo.

Helsinki xoay quanh nghi vấn can thiệp bầu cử

Trong phòng họp báo, những vấn đề nóng hổi như Ukraine, Syria, Triều Tiên, vũ khí hạt nhân không được chú ý nhiều mà thay vào đó, hầu hết các câu hỏi đều xoáy vào nghi vấn Nga can thiệp bầu cử.

Trước truyền thông thế giới, Tổng thống Putin – đại diện cho nước Nga- một lần nữa lên tiếng khẳng định Điện Kremlin không hề có bất kỳ liên quan gì tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, đồng thời tuyên bố nếu có bất kỳ một bằng chứng “thực sự” nào về việc này, Moscow sẵn sàng bắt tay cùng Mỹ điều tra chung. Thậm chí, với trường hợp 12 công dân Nga bị Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller buộc tội đã tấn công email và hệ thống máy tính của các đảng viên Dân chủ, ông Putin khẳng định Moscow sẵn sàng hỗ trợ Washington trong việc thẩm vấn những người này.

img

Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo sau Thượng đỉnh. Ảnh: Getty.

Dường như, cuộc nói chuyện riêng kéo dài tới hơn 2 tiếng đồng hồ và những lời tuyên bố mạnh mẽ trước báo giới của ông Putin đã khiến ông Trump cảm thấy bị thuyết phục.

“Tổng thống Putin nói rằng nước Nga không can thiệp và tôi cũng không thấy bất kỳ lý do gì để khẳng định là Moscow có làm”, ông Trump phân trần và chia sẻ thêm rằng trước khi làm Tổng thống, ông không hề có mối quan hệ cá nhân với ông Putin – đồng nghĩa với việc không có sự thông đồng nào cả.

Tuy nhiên, ông Putin sau đó đã tiết lộ một điều mà chắc chắn sẽ khiến người đồng cấp Mỹ phải “đau đầu” với phe đối lập Dân Chủ khi về nước.

“Đúng, tôi đã muốn ông ấy thắng cử bởi ông Trump có nói về sự cần thiết của việc bình thường hóa mối quan hệ Mỹ - Nga”, ông Putin chia sẻ nhưng cũng nhấn mạnh rằng Điện Kremlin không hề đóng góp bất kỳ nỗ lực nào cho chiến thắng của vị Tổng thống thứ 45 và Đảng Cộng Hòa.

Về nghi vấn Điện Kremlin nắm giữ đoạn phim “nhạy cảm” của ông Trump để uy hiếp, cả hai nhà lãnh đạo đều đồng thời phủ nhận thông tin được cho là “ngớ ngẩn” này. Về phía mình, Tổng thống Trump còn đùa rằng nếu điều này là thật, người Nga đã cho công bố đoạn phim nói trên từ trước khi ông tranh cử làm Tổng thống.

“Khi ông Trump tới Moscow, tôi còn không biết là ông ấy đến”, Tổng thống Putin kể lại.

“Tôi tôn trọng ông Trump với tư cách là người đứng đầu nước Mỹ. Thế nhưng trước đó, khi ông ấy còn là một doanh nhân, tôi còn không biết ông ấy đã tới Nga”.

Ông Putin còn cho biết thêm rằng, bản thân ông hay bất kỳ một cơ quan nhà nước Nga nào có nhiệm vụ thu thập bằng chứng “bẩn” về một ai đó. Vị chủ nhân Điện Kremlin còn lấy ví dụ về Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg diễn ra năm nay với sự góp mặt của 500 doanh nhân để khẳng định quan điểm của mình.

“Các vị nghĩ rằng chúng tôi khởi động một chiến dịch thu thập, tìm kiếm thông tin để uy hiếp từng người một ư? Khó có thể tưởng tượng được có một ý tưởng nào ngớ ngẩn hơn việc này. Hãy gạt ngay những suy nghĩ vớ vẩn ấy ra khỏi đầu của các vị”, ông Putin nói.

Putin, Trump và World Cup

img

Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania Trump với quả bóng được Tổng thống Vladimir Putin đích thân tặng cho phu quân. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc gặp gỡ tại Helsinki, bóng đá và World Cup cũng là một chủ đề thú vị được hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đề cập song song với các vấn đề chính trị nóng bỏng khác. Ngay trong lời mở đầu và cả trong cuộc họp báo lúc cuối, Tổng thống Donald Trump đã không tiếc lời khen ngợi và chúc mừng Tổng thống Vladimir Putin vì đã tổ chức thành công World Cup 2018.

Đáp lại ý tốt này, ông Putin cũng đã trao tặng 1 quả bóng cho người đồng cấp Mỹ với lời nói “Quả bóng giờ ở phía Ngài”. Theo RT, có lẽ vị chủ nhân Điện Kremlin ý chỉ đến việc Mỹ, Canada và Mexico vào năm 2026 sẽ đồng tổ chức World Cup.

Được biết, trước đó ông Trump đã tiết lộ rằng đứa con trai út Barron Trump rất yêu thích bộ môn bóng đá cũng như thích xem World Cup. Bản thân ông cũng tiết lộ rằng mình đã xem toàn bộ các trận đấu bán kết và chung kết của World Cup năm nay. Có lẽ, quả bóng này sẽ là một “kỷ niệm chương” đáng nhớ của Tổng thống Trump về cuộc gặp tại Helsinki.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem