>> Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, rằng, khi đã xoá bỏ được hạn điền, hạn mức, có nghĩa là chúng ta sẽ giải phóng được sự lo lắng của những người muốn đầu tư vào nông nghiệp và họ có thể mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp.
Với nước ta, muốn nông nghiệp đi lên thì vẫn phải theo kinh tế hộ, nhưng là hộ đại nông, không thể khác được. Tôi đọc báo thấy ông Đặng Văn Hiện (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) tích tụ được 145ha đất. Ông Hiện đã đầu tư hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, hiện đại và tổ chức san phẳng bề mặt ruộng bằng tia laser… Như vậy, tích tụ ruộng đất đã giúp đẩy mạnh được cơ khí hoá sản xuất nông nghiệp.
Trần Minh Ngọc
(Dương Minh Châu, Tây Ninh)
>> Theo tôi, chưa nên bỏ hẳn hạn điền vào thời điểm này, nhưng cần nới rộng hạn điền lên 4-6 lần so với quy định hiện nay (tất nhiên cần có điều kiện đi kèm để chống đầu cơ). Thời gian giao đất nông nghiệp nên kéo dài hơn để người dân yên tâm đầu tư dài hạn.
Chỉ nên nới rộng hạn điền và thời gian sử dụng đất lên tới mức đủ để thúc đẩy sản xuất hàng hoá, chứ không nên bỏ hẳn. Bởi nếu bỏ hạn điền, lực lượng lao động dôi ra do không còn đất sẽ làm gì?
Thu Huệ
(Thị xã Sông Cầu, Phú Yên)
>> Không chỉ bị "trói" bởi luật, mà cản trở trong tích tụ đất đai hiện nay cũng còn có lý do từ chính nhận thức và tâm lý của người dân. Nhiều người muốn giữ chặt "giấy đỏ", dù đất đó chỉ để cho cỏ mọc, trong khi nhiều người biết làm ăn thì đứng ngoài tiếc rẻ!
Tuy nhiên, nông dân cũng không thể ôm đất mãi và nước ta duy trì một lực lượng lao động lớn như vậy trong nông nghiệp.
Quang Tiệp
(UBND xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.