Quy định mới này còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.
Mới có 150 hồ sơThông tư 18 của Bộ VHTTDL có hiệu lực từ ngày 1.7.2013, quy định những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận hành nghề (đối với tổ chức) và chứng chỉ hành nghề (đối với cá nhân). Đây thực sự là một bước cụ thể hóa để thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và hạn chế vấn nạn trùng tu tùy tiện, làm sai lệch, làm hỏng di tích như rất nhiều vụ việc đã được dư luận phản ánh trong thời gian qua.
Di tích Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) được trùng tu giống chiếc hộp mới
Tuy nhiên, một vấn đề khá khó khăn là mặc dù thông tư đã chính thức có hiệu lực nhưng những bước chuẩn bị trước đó lại chưa được tiến hành kỹ lưỡng, thành thử mặc dù ngày 1.7, đáng lẽ đội ngũ thực hiện công tác trùng tu phải có chứng chỉ trong tay thì hơn 1 tháng sau đó, tức là ngày 6.8, thông tin từ Cục Di sản văn hóa đưa ra là vẫn chưa cấp được bất cứ chứng chỉ nào. Ông Nguyễn Hữu Toàn- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: "Tính đến thời điểm đầu tháng 8 này, Cục chúng tôi đã nhận được 150 hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề của các tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, chưa hồ sơ nào đạt yêu cầu nên chúng tôi buộc phải chuyển trả lại để hoàn chỉnh thông tin, thủ tục. Đến nay, đã có gần 100 hồ sơ hoàn thiện xong bước này và Cục sẽ tiến hành cấp chứng chỉ trong thời gian tới. Vì đây là công việc rất mới, còn nhiều bỡ ngỡ nên không tránh khỏi trục trặc, mất thời gian ban đầu".
Về vấn đề liệu việc chậm cấp chứng chỉ hành nghề sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiến độ trùng tu di tích của các công trình đang tiến hành hay không, ông Toàn cho biết: "Thực tế mà nói, việc này không ảnh hưởng, bởi vì những công trình đã được quy hoạch, những di tích đang được trùng tu thì vẫn tiến hành như bình thường. Chứng chỉ hành nghề chỉ là một yêu cầu bắt buộc với những hồ sơ dự án mới xin cấp phép về sau này".
Yêu cầu đặt ra trong việc xin cấp chứng chỉ này khá đơn giản, đó là người xin cấp hồ sơ cần có bằng kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng kèm theo chứng nhận đã học khóa bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn di tích sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. So với số lượng hàng ngàn di tích đang chờ được trùng tu trên toàn quốc, con số 150 hồ sơ đã nộp về Cục Di sản văn hóa để làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề là quá ít ỏi. Chưa kể trong 150 hồ sơ đó, con số đạt yêu cầu của hội đồng đề ra còn chưa biết chính xác là bao nhiêu. Điều này phản ánh một thực tế rất đáng suy ngẫm, đội ngũ chuyên gia hoặc nhân lực hoạt động trong lĩnh vực trùng tu di tích vừa thiếu vừa yếu, chưa thể đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của đời sống.
Cần đào tạo gấpKTS Lê Thành Vinh- Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: "Trong 3 năm trở lại đây, Viện đã tổ chức các khóa đào tạo cho các học viên về trùng tu di tích do các giáo sư, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư uy tín hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích trong nước và quốc tế giảng dạy với khoảng hơn 300 học viên. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế, những khóa đào tạo ngắn ngày này chỉ bù lấp những kiến thức thiếu hụt cơ bản, còn để có một đội ngũ những chuyên gia hay nhân công lành nghề trong lĩnh vực trùng tu thì không có cách nào khác ngoài con đường đào tạo bài bản".
"Bên cạnh việc cấp chứng chỉ thì Viện Nghiên cứu bảo tồn di tích và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phải được coi là "cỗ máy cái" đào tạo cho trùng tu di tích. Nếu quá trình này được tiến hành hiệu quả sẽ là một sự sàng lọc tốt để đào thải những tổ chức, cá nhân trình độ chuyên môn yếu kém". PGS- TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
|
Thế nhưng thực tế hiện nay, ở các trường đại học Việt Nam chưa có một mã ngành nào liên quan đến chuyên ngành trùng tu di sản văn hóa. Điều này cho thấy nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này chưa có nền móng cốt lõi, những kiến thức bổ sung mà họ được tiếp nhận ở các khóa đào tạo sau này dù sao cũng chỉ là lớp "vôi ve" bao phủ bên ngoài. PGS-TS Trương Quốc Bình (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) đề xuất: "Theo tôi, Bộ VHTTDL cần phải làm việc gấp với Bộ GDĐT để nghiên cứu, ban hành mã số đào tạo bậc đại học về bảo tồn di tích (hoặc di sản văn hóa). Việc này cần khởi động càng sớm càng tốt nếu chúng ta muốn có một đội ngũ các chuyên gia trùng tu di tích chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản cho tương lai".
Việc cấp chứng chỉ hành nghề trùng tu di tích tại Việt Nam bị đánh giá là khá chậm trễ, bởi thực tế cho thấy rất nhiều công trình đã bị "làm mới" sau khi trùng tu bởi những người thực hiện không hiểu gì về công việc họ đang làm. Tuy nhiên, dù muộn còn hơn không. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với việc cấp chứng chỉ đi vào quy củ hơn thì những công trình bị trùng tu sai, hỏng sẽ giảm rõ rệt.
Hà Thu (Hà Thu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.