Câu chuyện xúc động về người Bác sĩ trẻ rời phố về vùng cao biên giới

Thứ ba, ngày 17/01/2023 09:46 AM (GMT+7)
Người dân vùng cao biên giới tỉnh Quảng Bình dành cái tên thân thương “Bác sĩ Pu Tuấn”, “bác sĩ Pu” để gọi BS Dương Minh Tuấn - chàng bác sĩ trẻ đã gác lại những ước mơ để về vùng quê nghèo này.
Bình luận 0

Vốn là một chàng “công tử Hà Thành”, “nhà mặt phố”, mẹ làm kinh doanh, từng làm việc tại một bệnh viện tư với mức lương cao ở TP.HCM, không ai nghĩ rằng BS Dương Minh Tuấn lại sẵn sàng gác lại nhiều ước mơ để đăng ký lên vùng cao theo tiếng gọi tình nguyện.

Mối lương duyên với vùng quê nghèo

BS Tuấn chia sẻ, khi nói về ý định muốn tới vùng cao công tác để được chăm sóc các bệnh nhân nghèo, mẹ anh đã không khỏi băn khoăn, thậm chí có lúc ngăn cản: “Mẹ sợ tôi không quen với cái khổ, cái nghèo”.

Tuy nhiên, chàng bác sĩ trẻ vẫn quyết tâm viết đơn tới Minh Hóa (Quảng Bình) theo Dự án 585 đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo của Bộ Y tế. Đây là vùng đất có mối lương duyên đặc biệt với BS Dương Minh Tuấn.

“Trước đó, tôi đã từng tham gia dự án Nhà chống lũ và biết đến vùng đất Minh Hóa, Quảng Bình. Nhìn thấy cuộc sống của người dân còn vô vàn khó khăn, lo cuộc sống còn chưa đủ nói gì đến chăm lo y tế. Trăn trở vì nhìn thấy những điều đó, tôi đã tình nguyện về đây”, BS Tuấn chia sẻ.

Câu chuyện xúc động về người Bác sĩ trẻ rời phố về vùng cao biên giới - Ảnh 1.

BS Dương Minh Tuấn trong hành trình tình nguyện tại Minh Hóa, Quảng Bình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lên đường với câu hỏi sẽ làm được gì cho y tế vùng biên nghèo, chàng bác sĩ trẻ chỉ biết vô tư cống hiến với tất cả những gì có thể. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng khi về Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa nhận công tác, BS Tuấn vẫn bị “sốc” vì tuyến dưới còn quá nhiều thứ thiếu thốn, mà lại mong mỏi muốn làm được thật nhiều cho người bệnh.

Nhưng chính sự hồn hậu, chân chất, mến người của người dân nghèo nơi đây đã giúp bác sĩ nhanh chóng vượt qua giai đoạn đầu thích nghi đầy khó khăn và quyết tâm gắn bó. Trong gần 3 năm làm việc tại Minh Hóa, BS Dương Minh Tuấn vẫn đau đáu trước những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn đến cùng cực.

“Tôi vẫn nhớ mãi, từng điều trị cho một bệnh nhân 27 tuổi bị sốt xuất huyết, đã có vợ và 2 con, nhà ở sâu trong núi, rất nghèo. Bệnh nhân hiền lành, rất quý bác sĩ và hàng ngày chúng tôi vẫn trò chuyện với nhau vui vẻ, bệnh nhân đã biến chuyển tốt. Tuy nhiên, đến ngày thứ 4 nằm viện, đúng vào ngày tôi không trực tại Khoa thì bệnh nhân đột ngột chuyển nặng, đi vào sốc rất nhanh và đã không qua khỏi. Khi tôi nghe tin, hoảng hốt chạy đến thì chỉ còn cảm giác hụt hẫng. Nhưng càng xót xa hơn khi biết nhà bệnh nhân đã mất nghèo đến mức không có nổi cái mái che cho tử tế, và không có tiền để sắm cho người mất một cỗ quan tài. Quá đau lòng, tôi lại phải nhờ kêu gọi để có tiền lo mai táng cho người bệnh đã mất”, BS Tuấn kể lại.

Có những bệnh nhân nghèo, BS Tuấn đã tự bỏ tiền túi ra giúp đỡ hay lại liên hệ đồng nghiệp đưa bệnh nhân lên tuyến trên điều trị… Bệnh nhân ở đây ai cũng biết, BS Tuấn chỉ có mấy đồng lương ít ỏi nhưng đã tự lập thành quỹ để dành ai khó khăn còn giúp đỡ. Đặc biệt, anh còn có “hậu phương” là mẹ vẫn âm thầm giúp con thực hiện mọi ý nguyện.

Nhịp cầu nối nhân ái tới người bệnh nghèo

Rời thành phố về bệnh viện vùng cao làm việc, chàng bác sĩ trẻ vừa phải thích nghi vừa lại cố gắng để cải thiện, để thay đổi mọi việc. Điều bác sĩ Dương Minh Tuấn trăn trở nhất ở tuyến dưới là việc thiếu nhân lực. Mỗi buổi trực chỉ có một bác sĩ phụ trách cấp cứu; nên chuyên khoa nào bác sĩ cũng phải xử trí. Khó có thể học hỏi và áp dụng kiến thức chuyên sâu khi việc gì cũng phải biết, phải làm. Như anh cũng đã từng phải 3 lần đỡ đẻ cho sản phụ trong các ca trực.

“Những ngày đầu mới về đây, bản thân tôi nhận thấy có một số điều chưa hợp lý, tôi đã mạnh dạn đề xuất với mong muốn cùng đồng nghiệp thay đổi. Nhất là mô tuýp cũ với lịch ngày 2 lần phát thuốc cho tất cả bệnh nhân, cho thuốc theo tác dụng của thuốc. Tôi đã mạnh dạn tự cho thuốc từng người bệnh theo lịch trình riêng; khi thấy cách làm này hiệu quả hơn, người bệnh tiến triển nhanh hơn và mọi người cũng theo cách làm đó”, BS Tuấn tâm sự.

Chuẩn bị kết thúc thời hạn đi vùng cao, bác sĩ Dương Minh Tuấn vẫn còn trăn trở: “Tôi vẫn muốn làm được thật nhiều cho người dân Minh Hóa. Sau này khi chuyên môn tốt hơn, có nền tảng vững chắc hơn nữa tôi vẫn muốn quay lại hỗ trợ y tế tuyến dưới vì còn quá nhiều thứ cần phải thay đổi”.

Là một bác sĩ đa tài, từng nuôi ước mơ trở thành ca sĩ, bác sĩ trẻ Dương Minh Tuấn còn từng nổi tiếng khi đã cho ra đời 2 cuốn sách: “Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn và những chuyện chưa kể” (năm 2016) và “Những đứa trẻ không bao giờ lớn” (năm 2018). Sau thời gian tham gia chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, anh cũng cho ra đời cuốn “Sách - Sài Gòn và Đại dịch: Những mảnh kí ức” được rất nhiều người đón nhận. Đặc biệt, với trang Facebook cá nhân đã đạt được “tích xanh” với lượng người theo dõi rất lớn, bác sĩ Dương Minh Tuấn đã trở thành người truyền cảm hứng với những câu chuyện khi về vùng cao công tác, chia sẻ những khó khăn của bà con nơi đây.

Bác sĩ trẻ cũng là cầu nối cho nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cho những người nghèo, còn thiếu cơm ăn, áo mặc ở nơi vùng biên khó khăn.

Thiên Bình (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem