Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Các Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật cũng chính là cầu nối giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về pháp luật, có ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật.
Ông Chau Kim Son - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng trong việc trang bị kiến thức pháp luật cho hội viên, nông dân, Hội Nông dân huyện Tri Tôn đã không ngừng xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình CLB nông dân với pháp luật ở từng địa phương. Hiệu quả mô hình mang lại đã có những tác động trực tiếp đến nhận thức của nông dân trong việc tiếp cận các văn bản pháp luật.
Điển hình như CLB Nông dân với pháp luật tại xã Lương An Trà (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) được thành lập từ năm 2019, lúc đầu với 30 thành viên, do Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương An Trà Nguyễn Đông làm chủ nhiệm.
Đến nay, sau gần 3 năm hoạt động, các thành viên trong CLB dần nắm bắt được những nội dung cơ bản đối với những bộ luật quan trọng, mang nhiều ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống và giúp ích người nông dân rất nhiều trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ đó, góp phần phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân và quần chúng nhân dân ở các địa phương ngày một hiệu quả hơn.
"Nhiều bà con nông dân tại địa phương xem CLB là nơi hỗ trợ các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống và thực hiện hành vi pháp luật. Nhờ vậy, các vụ mâu thuẫn, khiếu nại trên địa bàn đã giảm bớt đáng kể, các xung đột thường được giải quyết ngay từ cơ sở, hòa giải kịp thời không để xảy ra những xung đột lớn, duy trì tình làng nghĩa xóm" - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương An Trà phấn khởi cho biết.
Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn đều thành lập được CLB nông dân với pháp luật, số lượng thành viên mỗi CLB từ 15-30 người. Mỗi CLB đều xây dựng quy chế hoạt động và duy trì sinh hoạt theo định kỳ. Thông qua mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên trong CLB đều nắm bắt được những chủ trương, chính sách quan trọng... Từ đó, triển khai đến với các hội viên, nông dân, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho hội viên và giải quyết kịp thời mâu thuẫn từ cơ sở, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, cũng như thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Chau Kim Son cho biết, trước đây, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện do không am hiểu pháp luật nên khi vướng những vấn đề liên quan đến pháp luật thì rất bị động. Nhiều nông dân khi bị xâm phạm đến lợi ích chính đáng đã khiếu kiện không đúng nơi, khiếu kiện vượt cấp, kết quả mang lại không cao, ảnh hưởng đến thời gian và công việc của người nông dân. Kể từ khi các CLB nông dân với pháp luật được thành lập, các vấn đề trên được cải thiện đáng kể, những xích mích, tranh chấp ở địa phương được giải quyết kịp thời, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt.
Có thể nói, thời gian qua, mô hình các CLB Nông dân với pháp luật đã phát huy được vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân ngay tại cơ sở. Đây cũng chính là cầu nối giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về pháp luật, có ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật.
Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có 70 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, thu hút 2.414 thành viên tham gia sinh hoạt.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh An Giang: Sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ (về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân), các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên, tham gia hòa giải ở cơ sở, đẩy mạnh phối hợp, góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy các phong trào hoạt động hội.
Trong đó, mô hình CLB Nông dân với pháp luật thực hiện theo Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ là mô hình sinh hoạt pháp lý tự nguyện của cán bộ, hội viên nông dân có cùng nguyện vọng tìm hiểu pháp luật, thông tin pháp luật.
Các CLB đều có quy chế hoạt động cụ thể, duy trì sinh hoạt thường xuyên theo định kỳ. Nội dung các buổi sinh hoạt tập trung vào việc phổ biến một số chuyên đề pháp luật phù hợp với thực tế địa phương như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Tố cáo, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản của các cơ quan cấp trên… Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư vấn, giải đáp về pháp luật cho hội viên, nông dân. tham gia hòa giải, giải quyết mâu thuẫn và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ban chủ nhiệm các CLB thường xuyên phối hợp chặt chẽ cơ sở Hội và các đơn vị liên quan tham gia hoà giải cơ sở.
Riêng trong quý I/2022, các cấp Hội Nông dân tham gia hòa giải thành 20 vụ, chủ yếu về tranh chấp đất đai, vay mượn nợ; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý được 23 cuộc, với 609 lượt HV-ND tham dự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.