Cây biến đổi gene đổ bộ Việt Nam: Đơn giản hoá việc khảo nghiệm

P,V Thứ tư, ngày 27/08/2014 07:29 AM (GMT+7)
Nếu căn cứ theo Quyết định 95 của Bộ NNPTNT, cây trồng BĐG cần phải tiến hành 2 khảo nghiệm và có thể phải mất vài năm nữa mới ứng dụng được, nên Bộ NNPTNT đang tiến hành sửa đổi quy trình theo hướng đơn giản hơn.
Bình luận 0

Có cần tiến hành cả 2 khảo nghiệm?

Theo quy định tại bản dự thảo sửa đổi Quyết định 95 trước đây của Bộ NNPTNT, cây trồng biến đổi gene (BĐG) cần phải tiến hành 2 khảo nghiệm khác nhau là: DUS (Distinctness, Uniformity, Stability) và VCU (Value of Cultivation and Use).

DUS là quá trình đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng mới còn khảo nghiệm VCU là quá trình đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống mới như năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất thuận và khả năng sản xuất hạt giống…

Tình huống thứ nhất được đặt ra là nếu coi các giống BĐG đã và đang khảo nghiệm ở nước ta không phải là giống mới thì sẽ không cần tiến hành khảo nghiệm DUS và VCU. Bởi trên thực tế, các giống BĐG này đã được các nhà cung ứng giống ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới, nên chỉ cần chờ Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) cấp Giấy chứng nhận “An toàn sinh học” là nông dân sẽ được trồng.

Tình huống 2, nếu phải khảo nghiệm DUS và VCU, sau đó chờ đợi Giấy phép An toàn sinh học của Bộ TNMT thì có thể phải mất thêm vài năm nữa. Hiện thế giới đã công nhận và ứng dụng rộng rãi cây trồng BĐG là một công nghệ tất yếu của thời đại nhưng nếu Việt Nam phải mất 2-3 năm nữa mới công nhận thì khi đó có thể công nghệ này đã lỗi thời, có thể được thay thế bằng các công nghệ khác, bằng các giống cây trồng khác.

PGS-TS Lê Huy Nam cho rằng, ở thời điểm này, hoàn toàn có điều kiện trồng đại trà cây trồng BĐG, vì những giống chúng ta trồng hiện nay là những giống đã được trồng hàng triệu ha ở các nước khác rồi. Chúng ta cũng tạo cho mình một cái ô hết sức an toàn là: Chỉ chấp nhận dùng ở Việt Nam những giống đã được dùng ở 5 nước phát triển, đây là một cái ô quá an toàn cho chúng ta rồi. Đó là quy chế để sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của chúng ta. Vì thế “cái ô” này đảm bảo vô cùng an toàn cho Việt Nam để đưa ra quyết định ứng dụng cây trông BĐG.

Không cần phải khảo nghiệm thêm

Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, về mặt an toàn sinh học đã tiến hành rồi, đánh giá sự kiện chuyển gene, vì về mặt quản lý nhà nước, cây trồng BĐG không chỉ liên quan đến Bộ NNPTNT, mà còn Bộ TNMT và Bộ KHCN.

Phần thuộc Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát mới đây đã nói “Cố gắng vụ đông xuân tới, trước hết là đưa cây ngô BĐG vào sản xuất và hy vọng cuối năm nay chúng ta sẽ có sản phẩm ngô BĐG”. Về mặt thủ tục, Quyết định 95 chỉ là cây trồng nói chung còn riêng cây trồng BĐG có quy định tại Thông tư 23. Hiện nay, Dự thảo sửa đổi Thông tư 23 đã được trình lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT.

Trước đó, Cục trồng trọt đã xây dựng dự thảo và tổ chức Hội thảo có sự tham gia của rất nhiều các nhà khoa học và các đơn vị tập đoàn đa quốc gia, họ có đóng góp nhiều ý kiến về quá trình khảo nghiệm. Có quan điểm cho rằng, chuyển gene hiểu là sự kiện chuyển gene còn giống nền của các công ty đang ứng dụng như Syngenta, Monsanto, Pioneer vẫn là giống nền đang được ứng dụng trong nước.

Ở đây có các sự kiện chuyển gene như: Thứ nhất là tìm ra một tổ hợp gene, khi cấy vào tạo sức kháng sâu đục thân, đục bắp trên ngô, đục quả với đậu tương; sự kiện thứ 2 là kháng được thuốc trừ cỏ. Gene này là gene khác loài, không phải cùng loài.

Ví dụ kháng sâu đục thân, đục bắp là tìm được từ loại vi khuẩn chuyển vào ngô hoặc đậu tương, hoặc là bông, còn kháng thuốc trừ cỏ cũng thế, còn chuyển gene trừ cỏ là một sự kiện khác. Tức là gene cùng loài, sau khi lai nhiều lần mới chuyển vào. Như vậy, cần phân biệt gene của cây trồng BĐG là thuộc loại khác loài hay cùng loài. Hiện còn đang có những thảo luận với nhau về vấn đề này.

“Dự thảo sửa đổi Điều 7 Thông tư 23 thay thế Quyết định 95 đã trình lên Bộ trưởng với hy vọng giảm bớt thủ tục đi để sự kiện chuyển gene được công nhận, chỉ cần công nhận đa dạng sinh học là được ứng dụng. Thực tế, hiện nay các công ty vẫn đang ứng dụng giống nền ở nhiều vùng của Việt Nam như Sơn La, nên chăng không cần phải có bước khảo nghiệm thêm”- ông Định nói.

Cùng chung quan điểm trên, TS Phạm Văn Toản (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, có người cho rằng mới khảo nghiệm có 2 vụ kể cả diện rộng là 3 vụ thì không thể khẳng định an toàn được. Nhưng theo tôi, đây là khảo nghiệm để cung cấp số liệu bổ sung. Cái cơ bản người ta đã làm ở trên thế giới rồi, hiện chỉ để hoàn tất khảo nghiệm, kiểm tra lại trong thực tế ở Việt Nam mà thôi.

“Quan điểm của tôi là không cần làm thêm khảo nghiệm này, chính vì lý do ấy thông tư cũ công nhận tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học trên tinh thần giống đang trồng ở Việt Nam, được bổ sung thêm gene này vào đã được kiểm chứng thì được đưa vào sản xuất luôn”- ông Toản nói.

  Quyết định 95 quy định như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Vương - Phó phòng Cây lương thực thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết, tại Khoản 2, Điều 7 của Thông tư liên quan đến công nhận đặc cách tiến độ kỹ thuật về cây trồng BĐG quy định là khi công nhận phải bổ sung kết quả khảo nghiệm.

“Dự thảo sửa đổi Thông tư 23 chỉ cần công văn cho phép của Cục Trồng trọt thôi là đủ điều kiện cho phép sản xuất thử không cần thành lập Hội đồng đánh giá nữa mà có thể thẩm định, chỉ có một Hội đồng duy nhất là Hội đồng công nhận chính thức để giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như chi phí cho doanh nghiệp nhưng với nguyên tắc là chặt hơn bằng cách đưa các điều kiện chặt chẽ, rõ ràng hơn”- ông Vương nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem