'Hoàn thành nghĩa vụ với nước nhà và cả nước bạn Campuchia, hành trang trở về thời bình của bố tôi là một cơ thể đầy thương tật. Gia đình ông bà tôi ngày ấy rất nghèo.
Bao nhiêu của cải, cơ ngơi gây dựng trước kia đều bị đạn bom thổi bay hết. Mỗi lần sơ tán, mỗi lần chạy giặc là mỗi lần mất trắng.
Đến nỗi cơm không có để ăn, phải đi đào khoai, đào sắn mà sống lây lất qua ngày, nói gì đến việc có của dư của để.
Vậy nên khi hòa bình lập lại, ngày bố mẹ tôi làm đám cưới, ông bà hai bên đều ngậm ngùi chúc phúc, nén lòng mà động viên 'ráng lên con' chứ chẳng có gì để cho.
Không tổ chức tiệc tùng hay mâm cỗ thịnh soạn, không nhẫn cưới, không của hồi môn, bố mẹ về ở với nhau dưới sự chấp thuận và thừa nhận của hai bên gia đình.
Tài sản lập nghiệp khi đó chỉ vỏn vẹn là hai tấm thẻ thương binh của bố. Vậy mà nhờ yêu, cũng dắt nhau qua nổi những tháng ngày khốn khó.
Sau nhiều năm dành dụm, tằn tiện từ những đồng tiền trợ cấp, dần dần, bố mẹ tôi mua được một mảnh đất ven đồng và dựng mái nhà tạm bợ. Nói là nhà chứ thật ra chẳng phải nhà.
Bốn bên là bốn cây tre già, tường đắp từ bùn, còn rơm rạ thì tết thành từng bó nhỏ mà lợp. Chắn nắng thì được chứ mưa xuống chừng hai, ba ngày liền thì bùn bị rửa trôi, nhà sập ngay tức thì.
Nhớ những năm bão đổ bộ, nhà tôi mỏng manh giữa ruộng đồng trống trơ, bị quật tung không thương tiếc.
Nửa đêm, bố dắt mẹ con tôi sang gửi nhờ nhà hàng xóm - một mái nhà bằng bê tông, ngói lợp, dẫu không to nhưng vững chãi hơn nhiều.
Bão qua, vừa lạnh, vừa đói nhưng cả nhà tôi dắt nhau đi nhặt lại những bó rạ bị thổi vương vãi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nhiều lần trượt ngã trầy xước, nhiều lần cố len qua bụi rậm, bị gai cào rướm máu, nước mưa thấm vào đau rát khiến tôi cứ rưng rưng mà không dám khóc thành tiếng, cứ tự nhủ 'Sẽ qua hết cả thôi!'.
Để rồi lúc quay về, bố mẹ hỏi 'Sao mắt con đỏ thế?', tôi lại nhe răng cười và đổ thừa 'Tại gió, tại mưa làm mắt con cay'...
Suốt những ngày sau đó, cả nhà tôi về ở nhờ nhà nội. Đợi khi nắng lên, rơm rạ hong khô, đắp lại tường nhà rồi mới trở về.
Quê tôi vốn là vùng đất thuần nông, dẫu nghèo nhưng được phù sa đắp bồi, đất đai màu mỡ.
Tận dụng điều đó, bố mẹ tôi miệt mài gánh từng thúng bùn đắp thành ruộng, chạy dọc theo con mương trước nhà để trồng rau.
Những luống rau xanh bốn mùa nhưng chẳng bao giờ tôi được ăn, bởi mẹ toàn hái đem đi bán.
Thay vào đó, mẹ thường cắt những ngọn thài lài hay dây bình bát mọc hoang mang về nấu. Đến mùa mưa thì có thêm lá và củ bông, cũng lại là mọc hoang.
Sau này, khi luống rau tốt tươi, thu hoạch được nhiều hơn, mẹ tôi xin một sạp hàng ở chợ để bán hẳn.
Rồi những khi tan tầm, thấy những hạt bí, hạt dưa còn sót lại trên nền đất, mẹ nhặt về gieo thử quanh nhà.
Qua bao lần nắng mưa, cuối cùng cũng được vài cây sống sót, phát triển khỏe mạnh và cho trái xum xuê, gia đình tôi từ đó có thêm nguồn thu nhập.
Bố tôi cũng vậy, những lúc khỏe hay đi mò cua, thả lưới bắt cá nhưng bố chỉ chọn bán những con to, còn con nhỏ để lại cho gia đình.
Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi, đến năm tôi 12 tuổi thì bố đột ngột trở bệnh nặng.
Di chứng của hai cuộc chiến tranh hành hạ bố ngày đêm bằng những cơn đau thắt ruột, sốt cao triền miên, chưa đầy một tuần mà bố đã gầy đi trông thấy.
Thương bố, mẹ dành tiền bán được buổi chợ mua thịt về nấu cháo.
Ăn trưa xong, cặm cụi với ruộng vườn một lát rồi mẹ tự đi bắt lươn, bắt cua về băm nhỏ, hầm lấy nước tẩm bổ thêm cho bố. Vậy mà chỉ nửa năm sau, bố tôi mất.
Những ngày bố bệnh cũng là những lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là canh bí, cháo thịt... nhưng lo xong đám tang trọn vẹn cho bố thì bao nhiêu tiền bạc dành dụm cũng theo đó mà đi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Các món ăn kia lại một lần nữa trở nên xa xỉ. Mẹ con tôi lại dựa dẫm, sống nhờ vào cây trái mọc hoang...
Bây giờ, thời khốn khó đã không còn nhưng mẹ tôi vẫn còn tiết kiệm lắm. Mẹ dặn: 'Ở đời, không biết trước được chuyện gì nên phải có chừng mực, phòng khi bất trắc nữa!'
Còn tôi, từ khi lên phố nhập học, bắt đầu tự lập, cho đến lúc ra trường và đi làm vẫn không bao giờ dám tiêu xài nhiều.
Nhớ khi xưa, cha mẹ phải bán rau muống, hái thài lài, dây bình bát về ăn, chắt chiu, dành dụm từng đồng để có tiền mua đất, làm nhà nuôi tôi ăn học, tôi không cho phép mình được sống hoang phí.
Những lần đi công tác, vô tình thấy những vạt thài lài xanh mơn bên đường hay những dây bình bát lặng lẽ leo dọc thân cây, tôi lại chạnh lòng nhớ ngày xưa - khi tôi còn bố.
Ngày ấy, những món ăn từ cây hoang luôn hiện diện trong mâm cơm gia đình suốt bốn mùa mưa nắng vậy mà chẳng hề thấy ngán bởi ngoài việc nuôi lớn tôi, nó còn chứa đựng tình thương vô bờ của đấng sinh thành.
Dẫu vật chất không đủ đầy nhưng bố mẹ đã cho tôi một tuổi thơ trong lành'.
(Theo ĐVO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.