Nói đến trái cây miệt vườn, đầu tiên kể đến là xoài. Những cành xoài cao vượt mái nhà trổ đầy những chùm bông màu vàng sậm, chẳng bao lâu, trong ngọn gió kỳ diệu ấy, chúng đã trở thành những chùm trái xanh khoe mình trong nắng sớm sương chiều. Nắng, gió, sương và đất đai thuần hậu ngày càng nuôi chúng lớn lên nhanh với những trái xoài sống lớn cỡ ba ngón tay treo tòn ten, đong đưa trong gió gợi thèm.
Mùa trái cây miệt vườn gợi nhớ những ký ức tuổi thơ. (Ảnh: Chúc Ly)
Tết cũng là mùa dưa hấu rộ. Những núi dưa chất đầy các buổi chợ từ nông thôn đến thành thị như thúc giục, nhắc nhở con người rằng tết đang cận kề. Thuở xa xưa ấy, dưa hấu có vị ngọt ngon hơn hẳn bây giờ. Đó là thứ dưa chẻ đôi không rỉ nước, mặt dưa đỏ như son, khô rang. Cầm một miếng dưa cho lên miệng cắn, ái chà sao như nghe có tiếng vỡ của những hạt cát trong răng mình. Người ta nói đó là loại dưa được bón bằng phân tôm, phân dơi. Thuở ấy, dưa hấu đã làm nên “danh phận” cho Cái Keo (Cà Mau), Sóc Xoài (Kiên Giang), Cầu Đúc (Hậu Giang), Ba Động (Trà Vinh).
Nhưng đặc biệt hơn hết, ở Sóc Trăng vào những năm 1960, xuất hiện một thứ dưa “kỳ lạ”, đó là dưa hấu vàng. Trái dưa cũng ngộ nghĩnh: Dài và bự như trái bí bung làm mứt tết. Nhìn mặt dưa màu vàng không hấp dẫn như mặt dưa màu đỏ xác pháo, nhưng hương vị của dưa thì không chê vào đâu được. Loại dưa này chiếm cứ một vùng lãnh địa Ba Thắc thời xa xưa.
Cũng như xoài, gió chướng về, những cây vú sữa suốt cả năm khát khao ra trái bắt đầu đơm những chùm bông nhỏ li ti.
Và, cũng giống như xoài, dưa hấu, cùng một số loại trái cây miệt vườn khác, tất cả đều đã “mất mùa” vì khoa học kỹ thuật phát triển “bắt” chúng có mặt quanh năm, lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ thực khách miệt vườn. Chính vì vậy mà sự háo hức chờ đợi mùa trái cây tết đã tắt lịm trong lòng người, nhất là lứa tuổi ấu thơ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.