Tháng Chạp trái cây quê lên phố… lại nhớ cha tôi!

Bài và ảnh: Hoàng Lê Thứ sáu, ngày 30/01/2015 10:26 AM (GMT+7)
Năm nào cũng vậy, tầm tháng Chạp là người dân Vũng Liêm, Vĩnh Long quê tôi mang hoa, quả của mình lên phố thị để bán, mong có chút tiền lo sắm tết. Nhớ lại ngày trước, cha tôi nói, nếu đu đủ bị chết bệnh, hoặc cho trái không đúng vụ thì sẽ không có tiền để sắm đồ, để lo cho chúng tôi ăn tết như mọi người.
Bình luận 0
Nhìn những trái xoài cát chín vàng, những nải chuối xiêm no tròn hay những trái đu đủ xanh mới vừa “lên da” chín tới làm người xa quê chợt nhớ đến nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Có biết đâu, đằng sau loại trái cây quê được trưng bày nơi phố thị là cả những nỗi nhọc nhằn mà người dân quê tôi phải làm lụng, chịu thương chịu khó trong suốt một năm trời.

Nhớ lại những ngày ở quê, nhà tôi cũng có trồng nhiều loại trái cây chờ ngày cận tết mang lên chợ Vĩnh Long để bán. Vì đất ít nên cha tôi trồng xen lẫn các loại cây, hễ còn chỗ trống là cứ trồng chen vào, nếu bỏ đất trống thì “phí”. Cha tôi canh đều khoảng 2m2 thì trồng đu đủ, xung quanh liếp thì trồng chuối, ở dưới gốc xen thêm rau muống, rau lang…
img
Tháng Chạp người dân quê tôi lại rộn ràng mang trái cây lên phố (Ảnh: Hoàng Lê)
Chiều nào cũng vậy, anh em tôi xách thùng nước ra tưới cây, phụ giúp cha và chờ đợi ngày thu hoạch. Đu đủ thì tầm 7 tháng là cho trái đầu mùa, chuối thì phải đợi dài hơn, còn rau xanh thì sau 1 tháng là có ăn rồi. Chúng tôi có nhiệm vụ cắt rau xanh mang ra chợ làng bán lay lắt qua ngày, chờ đến tháng Chạp thu hoạch các loài trái cây trái khác để lấy tiền ăn tết.

Người dân quê tôi không nhiều thì ít, nhà nào cũng có miếng vườn nhỏ để trồng cây, trồng rau, mà chủ yếu tập trung vào chăm lo để bán trong dịp tết. Ngoài các loài cây ngắn ngày, nhà nào có điều kiện thì xử lí các loại cây đặc sản để đến tháng Chạp thì mang ra “trưng bày” nơi phố thị. Để có được trái cây đẹp mắt thu hút khách hàng, dân quê tôi phải làm lụng vất vả, chăm cây đúng kỹ thuật, chờ đợi từng ngày. Tất cả niềm hy vọng đều dồn về ngày tết, nơi có các loại trái cây đang chờ ngày thu hoạch.

Cứ độ tháng 11 âm lịch là mọi người lại râm ran, bàn tán về chuyện hoa, chuyện quả: “Đu đủ của bác kịp tết không? Xoài anh chín vàng chưa? Chuối xiêm năm nay bán già hay bán chín?...” Những câu hỏi như thế được bàn con quê  tôi đặt ra cho nhau trong lúc đi chợ hay những lúc ngồi uống nước trà, kể cả những khi đang miệt mài chăm sóc cây trái trong vườn.

Tôi nhớ rất rõ, năm ấy đu đủ nhà tôi bị bệnh “vàng lá”, cha tôi làm đủ mọi cách để mong cứu vãn 1 năm thất trắng. Sáng nào cha tôi cũng ra chăm sóc từng cây, xem nó có thể trụ lại đến tháng Chạp hay là phải bán trước mùa. Khi đó gia đình tôi vô cùng lo lắng nhưng không biết phải làm gì, chỉ biết cầu trời cho đu đủ qua cơn “bạo bệnh”. Cũng may mắn là sau thời gian thì lá đu đủ xanh tươi trở lại và cha tôi lại hái đu đủ mang lên xe đò đến chợ đúng hẹn vào dịp cận tết.

Cha tôi nói, nếu đu đủ chết thì sẽ không có tiền để sắm đồ, để lo cho chúng tôi ăn tết như mọi người. Nhìn đôi vai khô gầy của cha gánh đôi thùng nước tưới cây vào mỗi buổi chiều mà sao tôi thấy xót xa. Nhớ lại mà vẫn không quên được, thương cha quá, một đời tần tảo nuôi con mà không tiếc bản thân mình.

Do công việc bộn bề nên tôi ít có dịp về thăm quê. Vì giờ cha tôi cũng đã không còn nữa. Sáng hôm nay, tôi lại một mình dạo quanh chợ phố, nhìn qua các mặt hàng ở dưới quê mang lên mà không khỏi chạnh lòng. Trái cây quê vẫn được trưng bài đầy ắp bên ngoài nhà lồng khu chợ, nhưng chắc chắn một điều là trong số ấy, không có trái cây của cha tôi…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem