Cây trồng CNSH - cơ hội cho ngành nông nghiệp

Thứ tư, ngày 08/08/2012 09:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi đăng loạt bài “Triển vọng ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học”, Báo NTNN đã nhận được nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học nhận định: Việc ứng dụng cây trồng CNSH ở nước ta là rất cần thiết và là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo: Lựa chọn khôn ngoan

Nếu xét ở các trường hợp lai tạo thông thường, thì không nhất thiết phải sử dụng công nghệ biến đổi gen. Tuy nhiên, hiện có những gen mà Việt Nam không thể làm được, lai tạo theo mong muốn của mình. Ví dụ gen kháng hạn, chịu ngập… vì thế, cần sử dụng phương pháp lai tạo CNSH để tạo ra các giống mới như mong muốn.

img
Giống ngô chuyển gen NK66Bt 11 đang phát triển tốt.

Hiện ở nhiều địa phương của nước ta với chi phí nhân công đắt đỏ, lao động làm nông nghiệp cũng ngày càng khan hiếm, thuốc bảo vệ thực vật lại đắt. Do đó, việc tạo ra một số giống cây trồng CNSH kháng cỏ, kháng sâu bệnh là hết sức phù hợp. Trên thế giới, đã có rất nhiều nước đã cho phép trồng và sử dụng sản phẩm của cây trồng CNSH, thì tội gì Việt Nam không sử dụng.

Theo tôi, đối với cây trồng CNSH, nếu lựa chọn, áp dụng vào Việt Nam là khôn ngoan, nếu không lựa chọn, nghĩa là mình đang phủ nhận thành tựu khoa học của nhân loại. Tất nhiên, việc khảo nghiệm là cần thiết, song nếu cây trồng CNSH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của nước ta thì nên cho áp dụng.

GS-TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam: Không nên khắt khe!

Quỹ đất nông nghiệp nước ta ngày càng suy giảm, còn dân số không ngừng tăng lên, dẫn đến áp lực nhu cầu lương thực ngày càng lớn, nên việc đẩy mạnh ứng dụng trồng cây CNSH là xu thế tất yếu. Nếu không đi theo hướng này, chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do hạn hán, thiên tai… ngày càng phức tạp. Cây trồng CNSH là một tiến bộ khoa học của thế giới, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những tác hại của cây trồng CNSH đối với sức khoẻ con người và môi trường. Tất nhiên, một số nhà khoa học có ý kiến phản biện, nhưng đừng vì quá cảnh giác, mà chúng ta quá khắt khe với cây trồng CNSH.

Năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật Đa dạng sinh học. Đến tháng 11.2011, chúng ta đã ban hành “Hướng dẫn đánh giá rủi ro đối với cây trồng CNSH”. Song trên thực tế, hiện việc phát triển cây trồng CNSH ở Việt Nam quá chậm so với các nước trong khu vực ASEAN. Việc thống nhất giữa Bộ NNPTNT và Bộ TNMT chưa cao. Trong khi Bộ NNPTNT làm mạnh, thì Bộ TNMT lại dè dặt, chậm chạp. Sự thiếu hiểu biết đó, dẫn đến việc thực hiện lộ trình ứng dụng CNSH ở Việt Nam bị chậm lại. Rõ ràng, cây trồng CNSH và các sản phẩm của nó phải được sự đồng thuận của cộng đồng, xã hội.

TS Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Kết quả khảo nghiệm khả quan

Từ tháng 11.2009, cây trồng CNSH (bước đầu là bắp) đã được Bộ NNPTNT cho phép thí điểm khảo nghiệm trên diện hẹp tại 2 tỉnh Hưng Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu. Bước đầu, các nhà khảo nghiệm đã xác nhận bắp biến đổi gen có khả năng chống sâu bệnh hơn hẳn so với bắp thường và không bị ảnh hưởng bởi thuốc diệt cỏ.

Sau đó, Bộ NNPTNT đã cho phép 3 tập đoàn giống cây trồng hàng đầu thế giới triển khai khảo nghiệm trên diện rộng tại 4 tỉnh và đại diện cho từng vùng miền khác nhau. Trong đó, tỉnh Đăk Lăk được Công ty TNHH Dekalb Việt Nam và Viện Nghiên cứu KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp thực hiện trồng khảo nghiệm 1ha bắp tại TP. Buôn Ma Thuột.

PGS-TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp: Còn hứa hẹn nhiều đặc tính tốt

Nếu chúng ta đưa vào sản xuất nhanh cây trồng CNSH, đây sẽ là một cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp. Hiện nay, chúng ta đang khảo nghiệm cây kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu tiên trong lĩnh vực ứng dụng cây trồng CNSH vào sản xuất, bởi công nghệ này còn hứa hẹn nhiều đặc tính khác như: Chịu hạn, chịu mặn, tăng cường khả năng sử dụng đạm, các loại sâu bệnh khác...

Nếu chúng ta có cơ chế phù hợp để khảo nghiệm đánh giá rủi ro và đưa công nghệ này vào sẽ tạo điều kiện cho nông nghiệp Việt Nam tiếp nhận được những công nghệ mới mà thế giới đã, đang và sẽ phát triển trong thời gian tới.

TS Bùi Mạnh Cường - Viện Nghiên cứu ngô: Cần thừa nhận công nghệ chuyển gen

Để khắc phục được những hạn chế thiếu sót, nhanh chóng phát triển sản phẩm của cây trồng CNSH, theo tôi chúng ta cần thừa nhận công nghệ chuyển gen, bởi sản phẩm cây trồng CNSH đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp của nước ta.

Bộ NNPTNT đã xây dựng lộ trình phát triển cây trồng CNSH phù hợp, đảm bảo được công tác quản lý, giám sát chương trình phát triển cây trồng CNSH. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải phản ánh khách quan, trung thực, gần dân hơn, đừng để dân sợ cây trồng chuyển gen. Điều quan trọng là phải nhanh chóng làm chủ được công nghệ, lựa chọn hệ thống gen phù hợp.

TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam: Giải pháp chống biến đổi khí hậu

Theo tôi, cây trồng CNSH đã là thành tựu khoa học của nhân loại, thì không thể chối bỏ được, anh có ủng hộ hay không ủng hộ thì nó vẫn phát triển và tiến lên. Cây trồng CNSH có thể đáp ứng đòi hỏi nhu cầu của loài người gồm: An ninh lương thực, thách thức về biến đổi khí hậu và mục tiêu thiên niên kỷ.

Trong tất cả các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông nghiệp, thì giống chuyển gen là phát triển nhanh nhất trong các khoa học công nghệ của nhân loại. Sau 15 năm đã có 160 triệu ha với trên 30 quốc gia cho phép trồng loại cây này và sản phẩm của cây trồng CNSH cũng đang được thương mại hóa nhanh chóng.

TS Clive James - Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về tiếp thu các ứng dụng CNSH trong nông nghiệp: 3 yêu cầu cho sự thành công

Trong suốt 16 năm thương mại hoá cây trồng CNSH, nhiều bài học đã được đúc kết. Theo tôi, có 3 yêu cầu cấp thiết để tiếp tục thành công trong việc thương mại hoá cây trồng CNSH: Thứ nhất, các nước phải đảm bảo thiện chí chính trị và sự hỗ trợ về chính sách. Thứ hai, phải phát triển công nghệ đặc thù theo định hướng sáng tạo sẽ có tác động cao. Thứ ba, đảm bảo việc xây dựng hệ thống quy định pháp lý dựa trên cơ sở khoa học, tiết kiệm chi phí và thời gian để cung cấp cho nông dân các công nghệ mới nhằm tiếp tục tăng diện tích và năng suất kịp thời.

Tại cuộc gặp với 4 doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực CNSH (tháng 3.2010), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh: “Người ta sợ ma vì không bao giờ nhìn thấy nó, một số người sợ cây trồng CNSH, cũng bởi chưa nhìn thấy nó bao giờ. Phải đưa cây trồng CNSH vào trồng trong thực tế, để người ta nhìn mới thuyết phục nổi, xua đi những ám ảnh mà họ tự nghĩ ra về loại cây trồng này. Tôi xin khẳng định, quan điểm về cây trồng CNSH, thủ tục quốc tế làm sao mình làm vậy. Chúng ta phải kế thừa, chứ không nên làm lại những công đoạn mà các nước tiên tiến đã làm. Hiện nay, khi CNSH đã được áp dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới, thì Việt Nam chúng ta cũng phải nhanh chóng nắm bắt, xem xét áp dụng trong phát triển nông nghiệp, để nông nghiệp nước ta không bị lạc hậu so với các nước trên thế giới”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem