Chầm chậm chiều Xuân

Chủ nhật, ngày 23/02/2014 16:30 PM (GMT+7)
Chầm chậm chiều. Chầm chậm đi. Chậm lắm; bởi chẳng việc chi phải vội vàng khi những hối hả, tất bật của buổi giao thời năm cũ – năm mới đều đã qua đi. Phấn khích rộn ràng Tết nhất cũng đã qua đi.
Bình luận 0
Mệt nhoài; và con người cần nghỉ ngơi, cần thay động bằng tĩnh. Có phải thế mà chiều Xuân trôi chậm lắm. Rề rà như muốn níu kéo, muốn ngân nga cái hơi hướm mùa Xuân còn bàng bạc rõ ràng trong “một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm\ Mấy cành xuân, dăm bảy sắc yêu yêu” (Xuân Diệu), trong cái lạnh len len, khẽ khàng mơn man trên má, dịu dàng chạm nhẹ mười đầu ngón tay? “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”; chuyện ấy xem ra giờ đà lỗi mốt, quá xưa.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Ừ, thì công việc mần ăn ra giêng ta cứ làm, cứ tính, cứ lo; nhưng… có ai cấm ta đâu, khi - xong một ngày bán lưng bán mặt – ta dành chút ít trong cái quĩ thời gian (biết rồi, luôn-thường-trực-ngặt-nghèo-eo-hẹp của thời hiện đại!) mà thả hồn mình “chầm chậm chút” (lại… Xuân Diệu!) trên đường về, mà cảm nhận thanh sắc thực hư, nhẹ nhàng, êm ái đến độ… mơ màng của không gian chiều muộn tháng giêng?

Tĩnh tại và bình yên; bởi tất cả đều khoan thai, đều chừng mực trong buổi chiều tháng Giêng. Không có gì quá lố, vượt tầm, cực đoan, bùng vỡ trong buổi chiều tháng Giêng.

Đúng; “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm\ Mấy cành xuân, dăm bảy sắc yêu yêu”. Nắng “một ít”. Sương chỉ “vài ba”; và lại “mỏng thắm”. Và “cành xuân”; cũng chỉ lác đác mấy cành nở muộn, e ấp phô bày “dăm bảy sắc yêu yêu”.

Đủ rồi. Hay chính xác hơn, cẩn trọng hơn, ta nên bảo là gần đủ; bởi ta có thể bổ sung vào bức kí họa thiên tài của Người-Thơ-Xuân-Không-Mùa chút hơi lạnh vương vương se sắt của buổi Đông tàn còn sót; hay cũng có thể thả thêm giữa lưng trời không gian chiều muộn một tiếng én lạc bầy ríu rít giữa từng không…

Đừng vội tưởng Người Thơ viết thiếu, vẽ thiếu (đúng; vẽ; bởi “thi trung hữu họa” (trong thơ có họa); và thi sĩ, thực ra, cũng có thể gọi là họa-sĩ-của-ngôn-từ). Bởi kí họa thì mang tính phác thảo, đại cương, không lạm dụng, đi sâu vào chi tiết “râu ria”. Hay, theo góc nhìn khác, ta cũng có thể bảo rằng: Họa phẩm thơ kia là “họa phẩm mở”. Nó không sao chép nguyên xi một buổi chiều xuân có thực (theo kiểu… nhiếp ảnh!). Nói cách khác, tác giả không đơn thuần mô tả mà còn gợi tả. Gợi cho ai? Cho chính độc giả; và độc giả nào (dù cố ý hay vô tình) tham gia vào “cuộc chơi sáng tạo” kia-đương nhiên-đều được xem như… đồng tác giả!

…Và cũng không quá khó khăn hay tốn kém để nhận ra thanh sắc chiều xuân, là “tài sản vô giá” mà Mẹ Mùa Xuân luôn rộng lòng ban cho tất cả, không dành riêng ai…
Báo Phú Yên (Theo Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem