Chậm mà chưa chắc!

Thứ tư, ngày 08/09/2010 16:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghịch lý này có vẻ lạ lùng với Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều trường dạy nghề. Nhưng đó lại là thực tế được bàn tại hội thảo “Triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg về đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” diễn ra ngày 7-9.
Bình luận 0

Chưa yên tâm học nghề

Theo ông Nghiêm Trọng Quý - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, địa bàn Hà Nội mới chỉ có 14 trung tâm dạy nghề trên tổng số 29 quận, huyện và thị xã trong khi các địa phương khác hầu hết các huyện đều có trung tâm dạy nghề.

img
Dạy nghề cho lao động nông thôn

Vì thế, cần phải xem nhu cầu học và năng lực hiện tại của các trung tâm, nếu không đáp ứng được nhu cầu, UBND thành phố cần có kế hoạch nâng cấp, mở rộng, thậm chí xây mới. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần sớm hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp và quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để có đánh giá cụ thể nhu cầu lao động qua đào tạo ở lĩnh vực này trong thời gian tới.

Hiện, Hà Nội đang khảo sát theo 3 nội dung: Nhu cầu học nghề của người dân nông thôn; yêu cầu về lao động nghề qua đào tạo của doanh nghiệp; năng lực đào tạo và cơ sở đào tạo trên địa bàn. Mỗi địa phương phải có đủ cả ba nội dung đó, gắn kết với nhau tạo nên một đề án đào tạo nghề nông thôn hoàn chỉnh.

Theo Quyết định 1956 có 5 nhóm đối tượng được ưu tiên là: Những người có công cách mạng; dân tộc thiểu số; người tàn tật; người nghèo; lao động nông thôn bị mất đất canh tác được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khoá học và hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người ngày, hỗ trợ tiền đi lại nếu di chuyển từ 15km trở lên. Trong số 6.000 LĐ, Hà Nội ưu tiên đào tạo cho LĐ thuộc 5 nhóm ưu tiên trên.

Theo Sở Công Thương, năm 2010 Hà Nội là địa phương có số làng nghề lớn nhất nước với 1.264 làng. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề ở các làng nghề này vẫn gặp nhiều khó khăn do các nghệ nhân chủ yếu là truyền nghề chứ không dạy nghề. Trong khi đó, người lao động với tâm lý “ăn xổi” ngại khó, ngại khổ, sợ mất thời gian... đã không muốn đi học nghề.

Anh Bùi Ngọc Dũng, một lao động ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết: “Mỗi ngày đi làm tự do cũng được 100.000 đồng, nếu đi học nghề sẽ mất luôn khoản thu nhập đó”. Vì vậy, nếu học nghề không bài bản, không có địa điểm chính thức, có đầu ra bền vững thì khó có thể thực hiện việc dạy nghề trên địa bàn Hà Nội.

Đào tạo 6.000 lao động

Về định hướng dạy nghề, ông Hoàng Mạnh Hiển – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, căn cứ vào Quyết định 1956, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xây dựng 2 đề án: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP. Hà Nội đến năm 2020 và Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể, chính quyền và công chức chuyên môn cấp xã TP.Hà Nội đến năm 2020.

Chỉ tiêu của Hà Nội năm 2010 là đào tạo nghề nông nghiệp cho 6.000 lao động nông thôn, trong đó 70% lao động sau đào tạo nghề có việc làm. Đồng thời, xây dựng hai mô hình điểm của thành phố về dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

UBND thành phố cũng xác định, lựa chọn hai huyện Thạch Thất, Ba Vì để tập trung chỉ đạo làm điểm trong triển khai các hoạt động về dạy nghề cho lao động nông thôn của thành phố.

Ông Nghiêm Trọng Quý - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nhận định, theo kế hoạch chung, trong tháng 10 tới các tỉnh, thành phải phê duyệt xong Đề án. Công việc triển khai, điều tra khảo sát mà TP. Hà Nội đang thực hiện đáng lẽ phải xong rồi, với tiến độ như hiện tại chỉ đạt mức trung bình và Hà Nội cần phải quyết tâm hơn nữa mới đạt được kế hoạch đề ra.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem