Chăm sóc lúa đông xuân ở ĐBSCL

Thứ sáu, ngày 13/01/2012 08:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay, việc gieo sạ lúa đông xuân 2011 - 2012 ở ĐBSCL nhiều nơi đã hoàn thành nhưng cũng có nhiều nơi do lũ rút chậm, việc gieo sạ gặp khó khăn nên tiến độ chậm hơn.
Bình luận 0

Những vùng gieo sạ trước, nay lúa đã có thời gian khoảng 1 - 2 tuần lễ đang phát triển tốt. Để giúp bà con cách chăm sóc lúa đông xuân và biết phòng tránh một số sâu bệnh chính như rầy nâu, đạo ôn thường xảy ra và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sản xuất, chúng tôi xin thảo luận một số vấn đề sau:

img
Chọn đúng giống lúa gieo trồng sẽ góp phần chống sâu bệnh.

Trước tiên là về kỹ thuật canh tác, bà con nên áp dụng kiểu canh tác lúa theo 3 giảm 3 tăng hoặc 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa, nhằm tiết kiệm chi phí về phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới, đồng thời tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.

Kế đến là giống lúa, ở những vùng chưa xuống giống, bà con nên áp dụng các giống đã được Bộ NNPTNT công nhận chính thức và cho sản xuất thử như: OM 4218, OM 5472, OM 4088, OM 6161(HG 2), OM 6162, ML 202, OMCS 2009, OM 607, OM 6877, OM 5981, OM 6377(AG 1), OM 5629, OM 6600, OM 5954, OM 6072, OM 5451, OM 8923,...

Việc chọn giống lúa cho năng suất cao, phẩm chất tốt, phù hợp vùng sản xuất, chống chịu được bệnh đạo ôn và nhất là rầy nâu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu gần đây gạo phẩm cấp thấp tiêu thụ được, trong đó giống lúa IR 50404 có một số ưu điểm nên vụ đông xuân này bà con nông dân không theo quy hoạch của vùng mà tự phát sản xuất giống lúa IR 50404 với diện tích khá cao.

Việc này gây lo ngại 2 vấn đề bùng phát dịch bệnh và có thể gặp khó khăn đầu ra khi thị trường gạo phẩm cấp thấp gặp rủi ro, như đã xảy ra năm 2008. Theo các thông tin chính thức thì ở tỉnh Hậu Giang, nông dân đã sử dụng giống IR 50404 chiếm tỷ lệ gần 40%, tỉnh Đồng Tháp hơn 50%, tỉnh Sóc Trăng cũng vậy… Trong khi theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, mỗi giống lúa không nên trồng quá 15 - 20% diện tích của mỗi tỉnh.

Vì vậy, về mặt sâu bệnh, trong điều kiện bà con đã gieo sạ giống lúa IR 50404 rồi thì cần thiết chú ý đặc điểm của giống lúa này như sau: Ngoài một số ưu điểm như chịu phèn, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp nhiều vùng khó khăn và cho năng suất khá cao; thì nhược điểm của giống lúa IR 50404 là nhiễm rầy cục bộ ở nhiều địa phương, hơi nhiễm bệnh đạo ôn và khô vằn, rạ yếu, lẫn tạp nhiều vì rất ít cơ sở sản xuất giống lúa này theo đúng tiêu chuẩn giống. Nhược điểm quan trọng là phẩm chất gạo kém nên không bố trí cho những vùng lúa cao sản đủ chất lượng cho xuất khẩu thị trường phẩm cấp cao.

(còn tiếp kỳ sau)

Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem