Chàng trai Nhật Bản đau đáu với nỗi đau "sơ cứu tai nạn giao thông"

Hồng Đức Thứ ba, ngày 30/01/2018 08:00 AM (GMT+7)
Anh Iizuka Kazuhiro (29 tuổi) sinh ra ở "đất nước mặt trời mọc" tới Việt Nam làm tình nguyện viên cho JICA. Đến thời điểm này, Iizuka Kazuhiro đã làm tình nguyện viên về hoạt động trị liệu tại Bệnh viện điều dưỡng Phục hồi chức năng T.Ư Thanh Hóa được 9 tháng và đã giúp cải thiện hoạt động trị liệu tại đây.
Bình luận 0

Trước khi tới Việt Nam, anh Iizuka học 5 năm tại trường Quốc tế Sức khỏe và phúc lợi Sunvillage tại Nhật Bản, là nơi anh đã học hỏi, tích lũy được nhiều kiến thức trong hoạt động trị liệu. Sau khi ra trường, Iizuka làm việc tại Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Nishijima trong thời gian 7 năm.

Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản

img

Anh Iizuka Kazuhiro trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp tại Bệnh viện điều dưỡng Phục hồi chức năng T.Ư Thanh Hóa. (Ảnh: PV)

Tuy là lần đầu tiên sang Việt Nam nhưng Iizuka cảm nhận, mảnh đất và con người Việt Nam rất gần gũi với Nhật Bản, có nhiều nét tương đồng với quê hương anh. Ngày nhỏ,  Iizuka sống tại tỉnh Shizuoka (một tỉnh ven biển phía Đông Nam Nhật Bản) cũng có nhiều điểm giống với tỉnh Thanh Hóa - nơi anh đang làm tình nguyện viên.

Theo cảm nhận của Iizuka Kazuhiro, ở Việt Nam, số người bị chấn thương sọ não hay phải phẫu thuật chỉnh hình vì tai nạn giao thông nhiều hơn so với ở Nhật Bản. Đặc biệt là có rất nhiều học sinh, sinh viên và những người trẻ với độ tuổi 20 -30 bị chấn thương sọ não và người nào cũng rất nặng.

Chia sẻ với Dân Việt, Iizuka nói: “Lý do đầu tiên bắt nguồn từ chuyến du lịch tới Campuchia, tôi đã chứng kiến những phương pháp sơ cứu khi có tai nạn giao thông và khi thấy những người khuyết tật trên phố, tôi rất quan tâm, muốn tìm hiểu tình hình y tế và phục hồi chức năng ở những nước đang phát triển”.

Theo Iizuka, anh là người muốn chia sẻ và học tập với các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu tại các nước khác. Ngoài ra, được trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài cũng là cơ hội rất đáng quý đối với anh.

Tâm sự với Iizuka, chúng tôi được biết, anh rất muốn làm việc ở một nơi có thể nhìn ra biển giống như miền đất mà anh sinh sống thuở còn bé. Bên cạnh đó vì trước khi tới Việt Nam, Iizuka cũng biết có nhiều người Việt Nam rất yêu quý nước Nhật nên anh mong muốn có thể chia sẻ và nói chuyện nhiều với mọi người về y tế cũng như văn hóa.

“Được sống và làm việc ở đất nước các bạn, bản thân tôi cũng như nhiều người bạn Nhật cảm thấy rất an toàn và gần gũi”, Iizuka chân thành nói.

img

Đôi bàn tay của tình nguyện viên Iizuka đang hướng dẫn bệnh nhân tại Bệnh viện điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương Thanh Hóa sử dụng phương pháp tập luyện. (Ảnh: PV)

Muốn cống hiến cho ngành y Việt Nam

Kể về hoạt động của mình từ khi là tình nguyện viên của JICA, Iizuka nói: “Tôi cũng làm việc như một kỹ thuật viên hoạt động trị liệu Việt Nam tại bệnh viện. Đó là điều trị phục hồi chức năng cho các bệnh nhân nội trú và ngoại trú (bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, bệnh nhân sau chấn thương, bệnh nhân nhi sau phẫu thuật). Hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng, hướng dẫn các hoạt động sinh hoạt hàng ngày sử dụng các chức năng còn lại (như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo…), lắng nghe những lo lắng của bệnh nhân, hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc…".

Bên cạnh đó, anh còn chia sẻ, truyền đạt tới các đồng nghiệp Việt Nam về kỹ thuật hoạt động trị liệu của Nhật Bản như: Đánh giá bệnh nhân trước khi điều trị (kiểm tra, đánh giá, quan sát, theo dõi các chức năng của cơ thể, xem chức năng nào đã mất đi, chức năng nào còn lại, sau đó tìm hiểu nhu cầu của bệnh nhân); cùng các đồng nghiệp tiến hành điều trị, phục hồi chức năng; quản lý cơ thể của bệnh nhân (kiểm tra nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, ứng phó khi có thay đổi); động viên bệnh nhân (kích thích não, cải thiện ý chí của bệnh nhân); làm các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng (chế tạo từ những đồ vật sẵn có ở Việt Nam)...

img

Tình nguyện viên Iizuka (phải) cùng đồng nghiệp Việt Nam chế tạo dụng cụ tập luyện cho bệnh nhân tại Bệnh viện điều dưỡng Phục hồi chức năng T.Ư Thanh Hóa. Ảnh: PV

Anh Iizuka tiết lộ, đặc điểm khác biệt của những dụng cụ để phục vụ bệnh nhân là khi bệnh nhân mới nhìn thấy đã rất hứng thú muốn luyện tập. Những dụng cụ này có thể dễ dàng được chế tạo dựa trên những nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam, mà giá thành lại rẻ. Việc sử dụng rất dễ nên nhiều bệnh nhân có thể tự mình luyện tập.

Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của người dân nói chung về phòng, chống bệnh, anh Iizuka đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam thiết kế các áp phích tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe…

Theo cảm nhận của Iizuka Kazuhiro, ở Việt Nam, số người bị chấn thương sọ não hay phải phẫu thuật chỉnh hình vì tai nạn giao thông nhiều hơn so với ở Nhật Bản. Đặc biệt là có rất nhiều học sinh, sinh viên và những người trẻ với độ tuổi 20 -30 bị chấn thương sọ não và người nào cũng rất nặng.

Tuy nhiên, rất ít người có mục tiêu điều trị phục hồi chức năng để quay lại công việc, tìm kiếm việc làm hay làm việc nhà trở lại, hầu hết chỉ dừng lại ở massage hoặc luyện tập bẻ cong khớp. Vì thế, có rất nhiều người phải trở lại viện nhiều lần.

Nhiều người trở nên nghèo đi vì phải trả viện phí. Iizuka chia sẻ: Kỹ thuật hoạt động trị liệu ở Nhật Bản là phục hồi chức năng để hồi phục chức năng nào đó của cơ thể. Chúng tôi ước định về khả năng phục hồi cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng tối đa những chức năng còn lại của bản thân để tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, tạo các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.

img

Những dụng cụ do tình nguyện viên Iizuka chế tạo để giúp bệnh nhân tập luyện tại Bệnh viện điều dưỡng Phục hồi chức năng T.Ư Thanh Hóa. (Ảnh: PV)

"Ngoài ra, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu ở Nhật Bản đều được học các lớp tư vấn, các kiến thức về tâm lý nên có kỹ thuật tiếp xúc với bệnh nhân và lắng nghe các nhu cầu của bệnh nhân. Các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu không chỉ nhìn vào cơ thể của bệnh nhân mà còn quan tâm đến cách sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân, môi trường sống, thể lực, kỹ thuật của người chăm sóc, tâm lý, ý chí của bệnh nhân để đưa ra cách điều trị tốt nhất", Iizuka nói.

Dù sắp hết thời gian tình nguyện nhưng chàng trai người Nhật Bản luôn tâm niệm muốn tiếp tục được làm việc tại Việt Nam.

“Tôi rất muốn được ở lại Việt Nam để đến với các bệnh viện ở miền Trung, miền Nam Việt Nam. Tôi muốn có nhiều người bạn làm ở ngành y tế của Việt Nam và muốn giới thiệu những dụng cụ hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng qua mạng xã hội. Qua đó, có thể chia sẻ thông tin với những bệnh viện ở địa phương hoặc những bệnh viện không có tình nguyện viên”, Iizuka tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem