Chất cấm trong tương ớt Chinsu ở Nhật Bản: Vì sao Việt Nam cho phép sử dụng?

Diệu Thu (thực hiện) Thứ hai, ngày 08/04/2019 15:55 PM (GMT+7)
Liên quan đến chất cấm trong tương ớt Chin Su bị thu hồi, đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa nhận được thông báo chính thức từ Nhật Bản.
Bình luận 0

Vừa qua, Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (Nhật Bản) đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa chất cấm ở nước này. Thông tin này đã khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam hoang mang lo lắng và đặt câu hỏi: Vì sao Nhật cấm, Việt Nam dùng?

img

Sản phẩm tương ớt bị thu hồi ở Nhật Bản được đăng trên cổng thông tin của TP Osaka

Xung quanh vấn đề này PV đã có cuộc trao đổi với bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Thưa bà, vừa qua, 18.000 sản phẩm tương ớt Chinsu của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã bị Nhật Bản thu hồi do chứa axit benzoic - một chất bị cấm sử dụng trong sản phẩm của Nhật Bản, là cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, bà thấy thông tin này như thế nào?

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa nhận được thông báo chính thức từ Nhật Bản.

Chất phụ gia axit benzoic mà Nhật Bản cấm trong tương ớt vẫn nằm trong danh mục cho phép của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Ủy ban này có 186 thành viên tham gia. Việt Nam là một trong những thành viên của Codex, khi ban hành các quy định về tiêu chuẩn thực phẩm, Việt Nam đã tuân thủ theo quy định chung của quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, có một số nguyên tắc xây dựng mức quy định mà các nước sẽ áp dụng riêng cho mình.

Một số nước có điều kiện phát triển tốt như: Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu có những đánh giá riêng, bên cạnh quy định của Codex. Khi xây dựng tiêu chuẩn, các nước này đánh giá trên tổng quan lượng tiêu thụ thực phẩm của người dân nước đó.

Trong thương mại thế giới nếu đưa ra một quy định đối với thực phẩm, nếu đáp ứng theo quy định của Codex thì không phải đưa ra các bằng chứng khoa học. Ngược lại, nếu có sự khác biệt thì quốc gia đó phải đưa ra bằng chứng khoa học.

Trong cam kết thương mại các tiêu chuẩn về thực phẩm của Ủy ban Codex được lấy làm tham chiếu, chúng tôi khẳng định các quy định về phụ gia thực phẩm của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các quy định.

Các phụ gia thực phẩm có trong danh mục của Ủy ban Codex phải trải qua rất nhiều các bước đánh giá về độ an toàn, hướng dẫn sử dựng rất nghiêm ngặt, thông thường qua 8 bước, 5-7 năm, thậm chí cả chục năm.

Bà có thể nói rõ hơn về chất phụ gia axit benzoic trong tương ớt Chin Su mà Nhật Bản vừa cấm? Vì sao Nhật cấm, Việt Nam dùng?

Axit benzoic là một phụ gia thực phẩm được phép sử dụng ở Việt Nam trong một số thực phẩm nhất định.

Theo thông tư quy định về quản lý phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế,  axit benzoic được phép sử dụng trong tương ớt với hàm lượng 1g/ 1kg sản phẩm. Các quy định về phụ gia thực phẩm Bộ Y tế ban hành hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Codex.

img

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Đối với Nhật Bản, theo thông tin chúng tôi có được thì hiện nay theo quy định mới nhất của Nhật Bản, axit benzoic cũng được cho phép là phụ gia thực phẩm trong một số nhóm thực phẩm như: Nước tương, các loại đồ uống không cồn, siro, bơ thực vật, trứng cá,… với các hàm lượng khác nhau.

Như vậy, đối với phụ gia chất axit benzoic, chiếu theo quy định của Việt Nam và quốc tế thì được dùng tối đa là 1g/1 kg.

Nguyên tắc là phải dùng đúng hàm lượng, đúng đối tượng (sản phẩm), tương ứng mỗi nhóm có những hàm lượng khác nhau. Nếu không đúng hàm lượng có thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tùy theo mỗi hàm lượng, chất khác nhau thì sẽ ảnh hưởng khác nhau.

Trên thực tế việc axit benzoic dùng cho tương ớt của Việt Nam mà không dùng cho tương ớt của Nhật Bản không đồng nghĩa với việc tương ớt của chúng ta nguy hiểm.

Liên quan đến sự việc này, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được thông tin chính thức của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chưa, thưa bà?

Chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức từ Masan. Bộ vẫn đang chỉ đạo các bộ phận chức năng nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su nhập từ Việt Nam bị thu hồi tại Nhật Bản vì chứa chất cấm. Trước mắt, phải làm rõ được nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa lô hàng bị thu hồi kể trên.

Hiện người dân đang hoang mang trước sản phẩm tương ớt Chin Su và nhiều người muốn tẩy chay sản phẩm này, bà có lời khuyên nào cho người tiêu dùng?

Người dân cần bình tĩnh lắng nghe các ý kiến của cơ quan nhà nước. Khi chúng tôi đã ban hành thì hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Tôi khẳng định, nếu phụ gia có trong danh mục của Ủy ban Codex với hàm lượng đúng thì sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, axit benzoic là chất được sử dụng để chống nấm mốc trong thực phẩm và được phép sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, các nước chưa tìm được chất nào thay thế nên vẫn đang dùng axit benzoic trong thực phẩm.

Tuy nhiên, nếu để axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng nhiều, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

Ở ngưỡng 0,1% axit benzoic có trong thực phẩm là an toàn, nhưng chúng sẽ không còn an toàn nếu lượng ăn vào quá nhiều, vượt hàm lượng cho phép. Với tương ớt, người ta chỉ ăn như gia vị, không ăn quá nhiều nên không đáng lo ngại.

Vụ 18.168 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Masan nói ”chưa từng xuất tương ớt sang Nhật”

Masan cho biết chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc của lô hàng nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem