Cháu 4 đời của Phạm Ngũ Lão vâng mệnh vua Lê Thánh Tông hạ thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm Thành cùng 3 vạn người

Thứ sáu, ngày 28/04/2023 05:06 AM (GMT+7)
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Phạm Nhữ Tăng sinh ra trong một gia tộc danh giá với nhiều võ tướng đã lập nhiều chiến công hiển hách. Ông là cháu 4 đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần, người đã 2 lần cùng quân dân nhà Trần đánh bại quân Nguyên - Mông..
Bình luận 0

Phạm Nhữ Tăng là cháu 3 đời của Phạm Nhữ Dực, một “thượng tướng bình Chiêm”, một “Đại khai tiên chỉ”, người đã nhiều lần đánh bại quân Chiêm Thành, được Hồ Quý Ly cử làm Chánh Đô án vũ sứ lộ Thăng Hoa vào năm 1402.

Cha Phạm Nhữ Tăng là Phạm Nhữ Dự, người đã có công phù tá Lê Lợi khởi nghĩa chống lại cuộc xâm lăng của nhà Minh, giành lại độc lập cho đất nước, được Lê Thái Tổ phong tước Cao Thọ Tập Phước Hầu. 

Phạm Nhữ Tăng vốn có quê gốc ở làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào, Thừa tuyên Hải Dương. Tổ tiên ông đã di cư vào ở xã Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, Thừa tuyên Thanh Hoa (Thanh Hóa). Đến đời Phạm Nhữ Dực lại bắt đầu vào làm việc và sinh sống ở làng Đồng Tràm thuộc lộ Thăng Hoa.

Phạm Nhữ Tăng sinh năm 1421 dưới thời Minh thuộc. Năm 1445, dưới triều Lê Nhân Tông, ông thi đỗ đệ nhị Điện Hoằng Từ Khoa, được phong làm Thái Bảo, kiêm Tri Quân Dân Chính Sự Vụ. 

Năm 1467, được ban sắc Phụ Chánh Tham Tướng Phủ, Quãng Dương Hầu, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự. Tháng 8-1470, dưới thời Lê Thánh Tông, vua Chiêm là Trà Toàn đem 10 vạn quân, có cả voi và ngựa chiến đánh thành Hóa Châu (Huế). Trấn thủ Phạm Văn Hiển chống cự không nổi, phải rút vào thành cố thủ và cấp báo về triều.

Cháu 4 đời của Phạm Ngũ Lão vâng mệnh vua Lê Thánh Tông hạ thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm Thành cùng 3 vạn người - Ảnh 1.

Minh họa: S.H

Vì thế, Phạm Nhữ Tăng được nhà vua hạ sắc phong làm Trung Quân Đô Thống, trao ấn Tiên Phong đi đánh dẹp Chiêm Thành. 

Sắc phong ghi rõ: Những năm trước đây, nước Chiêm Thành đã có bang giao với nước ta, và đặt sứ thần, hằng năm có triều cống giãn hòa. Bây giờ, nước Chiêm Thành phản nghịch, đánh phá nhiều nơi. Nay công thần Phạm Nhữ Tăng đang tại chức Phụ Chánh Tham Tướng Phủ, tước là Quảng Dương Hầu; “Ngươi” văn hay võ giỏi, hãy nhận lệnh nhậm chức Trung Quân Đô Thống Thự Đỗng Nhung, dẫn đầu 10 đạo quân tinh nhuệ. 

Lệnh lãnh đạo tất cả hải lục quân và hãy lo trang bị quân trang quân dụng, từ Thuận Hóa (Thanh Hóa) trực chỉ hướng Nam vào đất Cổ Lũy của Chiêm Thành, tiêu diệt quân Chiêm phản loạn. Nhà ngươi phải hết lòng vì nước, hết tình vì quân. Nếu có công được thưởng, nếu có tội ắt bị phạt.

Dưới sự chỉ huy của Phạm Nhữ Tăng, đại quân tiến vào Đại Chiếm (Bắc Quảng Nam) và Chiêm Động (Nam Quảng Nam). Mở đầu chiến dịch, đạo quân tiên phong do tướng Cang Viễn chỉ huy vượt đèo Hải Vân, tập kích vào phòng tuyến Cu Đê, một tiền đồn quan trọng của quân Chiêm và bắt sống được viên tướng giữ trấn là Bồng Nga Sa. 

Tháng 2-1471, 2 đạo thủy bộ hợp nhau đánh tan đạo quân của Trà Toại (em vua Trà Toàn) từ cựu đô Trà Kiệu kéo về cứu viện cho anh ở gần Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Ngày 28-2-1471, quân Đại Việt bao vây thành Đồ Bàn, mồng 1-3 hạ thành. Vua Chiêm là Trà Toàn cùng hơn 3 vạn người gồm cả văn quan, võ tướng, phi tần, binh lính bị bắt. Vương triều thứ XIV của người Chăm chấm dứt.

 Ngày 2-3-1471, nhà vua ban chiếu hồi triều. Chiến dịch bình Chiêm hoàn tất thắng lợi với 89 ngày đêm kể từ ngày xuất quân, nhưng thực chất chỉ có 55 ngày kể từ trận đánh mở màn vào phòng tuyến Cu Đê. Tháng 6-1471, nhà vua xuống chiếu thành lập Thừa tuyên Quảng Nam, thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt gồm 3 phủ, 9 huyện. Chữ Quảng Nam lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử.

Sau khi chiếm Đồ Bàn, Phạm Nhữ Tăng được bố trí ở lại và được vua trao quyền quản trị vùng đất mới, giữ vững an ninh, tổ chức di dân mở đất, lập làng xã. Đô Thống phủ của Thừa tuyên Quảng Nam lúc ấy đặt tại thành Đồ Bàn, thuộc phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau khi thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, lúc đầu ông được sai phấn trấn trị phủ Hoài Nhân (Tri phủ). Ông và Đại tướng bộ binh Nguyễn Đức Trung được triều đình trao quyền quản trị vùng này.

Lời bàn:

Theo sử cũ, trên đường Nam tiến của dân tộc, những lưu dân là nam giới được biên chế thành quân ngũ đi trước, sau đó triều đình mới cho vợ con họ vào theo. 

Như thế việc Nam di không phải chỉ vì mưu sinh mà còn nhận lãnh trách nhiệm mở mang vùng đất mới, đồng thời trấn giữ biên cương cho nước nhà. Trong số lưu dân này, còn có những quan lại đương chức của triều đình, danh tướng lẫy lừng và Phạm Nhữ Tăng là một trong số đó. 

Khi ông mất, vua Lê đã viết về ông như sau: Người có công mở mang bờ cõi, phục vụ ba triều, đã vì triều đình coi trọng, vì đất nước an nguy. Ngươi khi sống vì nghĩa mà vô tư, vì nước mà ra sức...

Phạm Nhữ Tăng có 2 người con trai là Phạm Nhữ Triều và Phạm Nhữ Tộ. Phạm Nhữ Triều là võ quan. Năm 1498, ông được phong Chánh đề đốc điều hành Lục Viện Trung cơ, có trách nhiệm chiêu binh, tập luyện làm quân dự bị ở phủ Thăng Hoa. 

Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông đã chống lại. Ông hợp quân cùng Lê Đại An, Lê Ý vây đánh quân Mạc ở Chương Dương. Sự nghiệp khôi phục nhà Lê chưa thành thì ông lâm bệnh rồi qua đời vào năm 1531. 

Về sau, vua Lê Trang Tông đã truy phong ông tước Thượng tướng công. Hơn 5 thế kỷ đã trôi qua, song người dân Bình Định nói riêng, người dân Việt Nam nói chung vẫn không bao giờ quên tên tuổi, sự nghiệp và những chiến công hiển hách của danh tướng Phạm Nhữ Tăng.

Ngọc Diệp (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem