Cầm những bọc củ ấu luộc trên tay, tôi chợt nhớ kỷ niệm về món chè củ ấu của tuổi thơ tôi ở nơi quê nhà yêu dấu.
Củ ấu vào mùa đổ đống bán bên đường. (Ảnh: BCT)
Bấy giờ, sau hòa bình lập lại, đất nước còn khó khăn, ngoài giờ làm công nhân nơi thành phố, ba tôi phải đạp xe trên 5 cây số về quê nội tăng gia sản xuất trên phần đất ông tôi đã cho khi ba lập gia đình và ra riêng.
Tôi còn nhớ như in, khi vụ lúa mùa vừa xong, nước lũ tràn về trắng xóa cánh đồng, ba tôi lại xuống giống trồng ấu. Chỉ sau 3 tháng trồng và vất vả chăm sóc là đến kỳ thu hoạch. Nhân ngày nghỉ cuối tuần, anh em tôi lại cùng ba đi hái ấu. Tuy công việc khá vất vả, phải ngâm mình xuống nước hái từng củ và khi hái xong trên tay lem luốt những mủ, nhưng ai nấy đều cảm thấy rất vui. Tối đến, anh em chúng tôi lại được má thưởng cho một rổ củ ấu luộc!.
Nhìn củ ấu luộc, quan sát bên ngoài da ấu đen nhẻm, có 2 sừng cong nhọn như sừng trâu, trông thật thô kệch tưởng chừng không ngon tí nào. Nhưng chúng ta đừng “trông mặt mà bắt hình dong”. Bên trong củ ấu chứa đựng chất tinh bột trắng ngần, thơm, ngọt, bùi, béo, có sức hấp dẫn đầy “ma lực” đối với người lớn lẫn trẻ con khi nếm, hễ “ăn là ghiền”!...
Củ ấu luộc (Ảnh: BCT)
Tô chè củ ấu đậu xanh đường cát thơm lừng hấp dẫn. (Ảnh: BCT)
Từ món củ ấu luộc, trong những ngày nghỉ cuối tuần, má còn chế biến cho anh em tôi một món ăn “ngon, bổ, mát” nữa đó là: Chè củ ấu đậu xanh đường cát.
Theo má, chế biến món chè dân dã nầy rất dễ dàng nhưng cũng cần có một ít “mẹo vặt” như phải chọn củ ấu to, già (có nhiều tinh bột, nấu chín ăn bùi, béo). Rửa sạch ấu và cho vào nồi nước luộc chín. Đổ ấu ra rổ, chờ nguội và dùng dao bén tách vỏ lấy phần thịt bên trong (khoảng 200 gram, ít nhiều tùy thực khách!). Đậu xanh cà (khoảng 200 gram) ngâm nước khoảng 30 phút, rửa sạch, để ráo. Cho đậu xanh cà cùng thịt củ ấu (đã luộc) vào nồi nước nấu cho hạt đậu xanh nhừ và củ ấu hơi mềm. Chờ nước sôi bùng lên mới cho đường cát trắng (khoảng 400 gram, ít nhiều tùy khẩu vị), khuấy đều, nhắc xuống. Nếu cần, thêm một ít va-ni cho có mùi thơm. Chờ chè nguội, múc ra chén, dọn lên bàn, là xong!...
Hiện nay, ấu không chỉ đơn thuần là chè củ ấu, hay luộc ăn chơi như một thứ quà vặt thời xưa nữa, mà còn được các nghệ nhân ẩm thực, các bà nội trợ miền Tây “nâng tầm cao mới”, và là nguyên liệu không thể thiếu trong việc chế biến các món ăn khá độc đáo khác như giò heo hầm củ ấu, ba ba hầm củ ấu, củ ấu hầm dừa (thay khoai sáp) v.v…
Nếu có dịp về miền Tây vào mùa nước nổi, hãy tìm và khám phá cho được món củ ấu luộc và chè củ ấu cùng những món “đặc sản” từ ấu, đảm bảo bạn sẽ hài lòng và luyến nhớ mãi không nguôi!.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.