Chỉ nhờ online, cô gái gen Z ở Thái Nguyên bán lạp sườn, thịt lợn gác bếp khắp cả nước

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 14/03/2024 06:46 AM (GMT+7)
Sau hơn 2 năm sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm lạp sườn và thịt lợn gác bếp, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thoa (TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đã tạo dựng được uy tín, lòng tin của nhiều khách hàng đối với sản phẩm của mình.
Bình luận 0

Lạp sườn, thịt lợn gác bếp siêu ngon nhờ bí quyết riêng

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Thoa (SN 2001) cho biết, từ nhỏ chị đã được bố làm lạp sườn cho ăn và rất thích. Chị nhận thấy mọi người thường chỉ làm lạp sườn phục vụ ngày tết, trong khi đó thị lại có rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua lạp sườn ngay cả những ngày thường. Chính vì vậy, tháng 8/2021, sau khi tốt nghiệp THPT, chị quyết định học hỏi bí quyết, công thức chế biến lạp sườn từ bố và bán hàng online.

Chỉ nhờ online, cô gái gen Z ở Thái Nguyên bán lạp sườn, thịt lợn gác bếp khắp cả nước- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thoa bắt tay vào làm lạp sườn từ tháng 8/2021. Ảnh: Hà Thanh

Khi mới bắt tay vào làm, ngoài cơ sở công thức của bố chỉ cho, chị Thoa tiếp thu những phản hồi của khách hàng về sản phẩm để điều chỉnh cho phù hợp. Nhờ vậy mà đến nay, chị đã có công thức chế biến lạp sườn hoàn chỉnh của bản thân.

Theo chị Thoa, nguyên liệu làm lạp sườn là thịt tươi, được lấy từ sáng sớm khi thịt vẫn còn dẻo, dính tay và có độ đàn hồi tốt. Đối với thịt nạc, sẽ lựa chọn nạc vai, nạc thăn hoặc nạc mông vì như vậy sẽ giúp lạp sườn khi sấy lên có màu sắc tươi tắn, đẹp mắt. Còn mỡ phải là mỡ khổ, vì khi ướp đường sẽ trong, khi ăn có vị thơm và không bị ngán.

Chỉ nhờ online, cô gái gen Z ở Thái Nguyên bán lạp sườn, thịt lợn gác bếp khắp cả nước- Ảnh 2.

Do lựa chọn nguyên liệu tươi ngon để chế biến nên lạp sườn khi sấy có màu tươi tắn, đẹp bắt mắt. Ảnh: Hà Thanh

Tiêu chí được chị Thoa đặt lên hàng đầu khi chế biến sản phẩm đó là sạch sẽ, quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ưu tiên sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi vậy trong quá trình chế biến sản phẩm, chị Thoa không sử dụng bất cứ chất phụ gia gì, tất cả mọi nguyên liệu để chế biến đều hoàn toàn tự nhiên.

Thời điểm đầu, chị Thoa chủ yếu bán hàng bằng các hình thức livestream quảng cáo sản phẩm, quy trình chế biến trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo.

"Khi mọi người mua ăn thử thấy ngon thì người nọ giới thiệu cho người kia mua và dần tin tưởng vào sản phẩm nên họ đã trở thành khách hàng thân thiết của tôi. Ngoài mua để ăn, nhiều người đã trở thành đại lý phân phối sản phẩm ra thị trường" - chị Thoa bày tỏ.

Chỉ nhờ online, cô gái gen Z ở Thái Nguyên bán lạp sườn, thịt lợn gác bếp khắp cả nước- Ảnh 3.

Đến nay sản phẩm lạp sườn và thịt lợn gác bếp của gia đình chị Thoa đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Hà Thanh

Khi sản phẩm lạp sườn đã được khách hàng tin tưởng và có chỗ đứng trên thị trường, chị Thoa tiếp tục làm thêm món thịt lợn gác bếp.

Cũng tương tự như lạp sườn, khâu lựa chọn nguyên liệu để làm thịt lợn gác bếp được chị Thoa lựa chọn hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng. Thịt nạc phải tươi, có thớ, qua sơ chế lọc bỏ sạch sẽ hoàn toàn gân mỡ rồi tẩm ướp gia vị theo công thức. 

Sau đó, thịt được đưa vào sấy trong hai ngày hai đêm cho miếng thịt chín từ từ. Gia vị được lựa chọn cũng là gia vị chuẩn loại ngon nhất từ Tây Bắc như hạt dổi, mắc khén, xả, muối, ớt…

Chỉ nhờ online, cô gái gen Z ở Thái Nguyên bán lạp sườn, thịt lợn gác bếp khắp cả nước- Ảnh 4.

Thịt được lựa chọn làm thịt gác bếp phải là thịt nạc tươi có thớ. Ảnh: Hà Thanh

Củi được chị Thoa lựa chọn để sấy thịt là củi nhãn (loại củi có giá thành đắt nhất trên thị trường hiện nay) vì sấy bằng loại củi này khi ăn thịt sẽ ngon hơn một số loại củi khác.

"Khi ăn miếng thịt sấy, khách hàng sẽ cảm nhận thấy thịt đỏ từ bên ngoài đến bên trong và ngọt hậu nơi cổ họng do được làm từ thịt nạc và tươi" - chị Thoa cho hay.

Phát triển thành sản phẩm OCOP

Trung bình mỗi ngày, chị Thoa sẽ chế biến khoảng 20 – 25kg thịt lợn gác bếp và 80 – 100kg lạp sườn. Còn những dịp lễ tết hoặc trong khoảng thời gian từ tháng 10 trong năm trở đi, sản lượng có thể tăng lên gấp 3 đến 4 lần ngày thường. Những lúc cao điểm, cơ sở của chị Thoa chế biến khoảng 700kg thịt tươi, tương đương 500kg lạp sườn hoặc 200kg thịt gác bếp mỗi ngày.

Chỉ nhờ online, cô gái gen Z ở Thái Nguyên bán lạp sườn, thịt lợn gác bếp khắp cả nước- Ảnh 5.

Trung bình mỗi ngày, chị Thoa sẽ chế biến khoảng 20 – 25kg thịt lợn gác bếp và 80 – 100kg lạp sườn. Ảnh: Hà Thanh

Để đảm bảo quy trình sản xuất, chế biến, ngoài nhân công chính của gia đình, chị Thoa còn thuê thêm hai lao động bên ngoài với mức ngày công 350.000 đồng/người/ngày.

Hiện nay thịt lợn gác bếp của gia đình chị Thoa được bán với giá 450.000 đồng/kg, còn lạp sườn được bán với giá 210.000 đồng/kg và 230.000 đồng/kg tùy tỷ lệ nạc và mỡ của từng loại.

Do chủ yếu bán hàng online trên Facebook nên đối tượng khách hàng của gia đình chị Thoa cũng rất đa dạng và rộng lớn, có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí có những khách mua xách tay ra cả nước ngoài.

Dự định, trong năm 2024, chị Thoa sẽ xây dựng sản phẩm lạp sườn và thịt lợn gác bếp của gia đình trở thành sản phẩm tiêu biểu và sản phẩm OCOP của địa phương, nhằm tạo sự riêng biệt và khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm trên thị trường.

Chỉ nhờ online, cô gái gen Z ở Thái Nguyên bán lạp sườn, thịt lợn gác bếp khắp cả nước- Ảnh 6.

Dự định trong năm 2024, chị Thoa sẽ xây dựng sản phẩm lạp sườn và thịt lợn gác bếp của gia đình trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Hà Thanh

Hiện khu nhà xưởng sản xuất của gia đình chị đang có diện tích khoảng 70 – 80m2. Trong thời gian tới, gia đình chị Thoa sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng lên 200 – 300m2, xây dựng phòng lạnh để bảo quản và khử trùng, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn.

Chị Đoàn Thị Hồng – cán bộ phụ trách lĩnh vực nông thôn mới, Phòng Kinh tế TP.Sông Công cho biết: Theo nguyện vọng của chủ cơ sở là chị Nguyễn Thị Thoa, Phòng Kinh tế cũng đang phối hợp với chủ cơ sở để tiến hành các bước thủ tục hồ sơ đăng ký hai sản phẩm lạp sườn và thịt lợn gác bếp thành sản phẩm OCOP của địa phương trong năm nay.

Đến nay, các điều kiện về sản phẩm như chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở đã đạt tiêu chuẩn. Còn việc công bố và đăng ký thương hiệu sản phẩm cũng đang được cơ sở tiến hành thực hiện. Về quy trình sản xuất đã tương đối đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên cơ sở cũng định hướng sẽ sản xuất theo quy trình ISO để chất lượng sản phẩm và uy tín của đơn vị ngày càng được nâng lên.

Trong thời gian tới, địa phương mong muốn cơ sở sẽ phát triển thành HTX để có thể tận dụng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp cơ sở phát triển ngày càng mạnh hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem