-Trong phát triển cây mắc ca hiện nay, việc quản lý nguồn giống là rất quan trọng, bởi nếu người dân mua phải giống kém chất lượng, 5 năm sau chúng ta mới xác định được, khi đó thiệt hại sẽ rất lớn, cũng như người dân sẽ lỡ cơ hội trồng những loại cây khác. Do đó, theo tôi trong một mặt Bộ NNPTNT cần tiếp tục công nhận các giống đầu dòng tốt nếu không sẽ bỏ lỡ những giống tốt. Mặt khác, Nhà nước, cụ thể ở đây là Sở NNPTNT cũng phải vào cuộc, đầu tư để quản lý các vườn ươm giống, tăng cường thành lập các đội quản lý liên ngành để xử lý các vườn ươm không đảm bảo quy định.
GS Lê Đình Khả - người đầu tiên mang giống mắc ca về Việt Nam:
Đó không phải là con số cố định
Con số 10.000ha là do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát kết luận tại một cuộc họp lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, trước mắt chúng ta làm như thế, rồi sau đó sẽ có tổng kết, rồi có mở rộng tiếp hay không thì sẽ bàn sau, chứ không phải cố định chỉ có 10.000ha. Thông thường, cây mắc ca từ khi trồng đến khi ra quả phải mất 5 năm, mà từ nay đến năm 2020 còn đúng 5 năm nữa, nên trước mắt phát triển đến 10.000ha là đúng và thận trọng.
Trước mắt, tôi thấy 3 vùng có thể trồng được là Krông Năng (Đăk Nông), Mai Sơn (Sơn La) và Ba Vì (Hà Nội). Còn con số 200.000ha thì từ trước đến nay tôi chưa thấy nhà khoa học nào phát biểu, có chăng chỉ là doanh nghiệp nói.
Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank: Đề xuất chỉ trồng 10.000ha là thiếu thực tiễn
Việc Bộ NNPTNT cho rằng, chỉ nên trồng 10.000ha cây mắc ca là thiếu thực tiễn, bởi chỉ riêng huyện Tuy Đức (Đăk Nông) đã có quy hoạch trồng tới 14.000ha, chưa kể các vùng lân cận và các tỉnh khác. Tôi cho rằng, hiện không có cơ sở nào để đưa ra con số chỉ có 10.000ha mắc ca, bởi cho đến nay Bộ NNPTNT chưa có quy hoạch, cũng không nắm được quy hoạch của các địa phương, vậy thì sao biết được chỉ có 10.000ha.
Tôi được biết, sở dĩ Bộ NNPTNT đưa ra con số trên, vì cho rằng năng lực ươm giống của các cơ sở trong nước chỉ đáp ứng được 3-4 triệu cây trong 5 năm tới, nhưng xin thưa chỉ một cơ sở của một ông Việt kiều ươm giống ở Khe Sanh (Quảng Trị), mỗi năm đã cho 1-1,5 triệu cây. Tóm lại, tôi vẫn không đồng tình với con số 10.000ha mà Bộ NNPTNT đưa ra.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk:
Sẽ xử lý mạnh tay các vườn ươm tự phát
Trước khi Bộ NNPTNT có công văn, tỉnh Đăk Lăk đã có văn bản gửi các huyện và các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn về việc chấn chỉnh các cơ sở ươm giống tự phát, đồng thời hướng dẫn người dân mua giống ở những nơi đã được công nhận. Hiện tại, chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch các vùng trồng mắc ca cụ thể, hạn chế người dân phát triển tự phát.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo mạnh mẽ hơn và nghiêm cấm các cơ sở nhân giống tự phát bán cho dân. Đối với những vườn ươm không đúng quy định, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.
Hải Hà (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.