Ngày hội bánh dân gian Nam bộ (BDGNB) lần thứ IV đã khai mạc vào tối ngày 27.4.2015 và mở cửa đón khách cho đến hết ngày 1.5.2015 tại một không gian hoành tráng thuộc Vòng xoay phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP.CầnThơ. Đặc biệt Ngày hội BDGNB năm nay đã nâng lên thành lễ hội với chủ đề “Bánh dân gian Nam bộ hướng đến hội nhập”.
Tính đến thời điểm khai mạc, Khu bánh dân gian đã có tới hàng trăm món bánh truyền thống được trưng bày trông rất đẹp mắt. Ngoài ra còn có nhiều gian hàng giới thiệu các món ăn đặc sản của nhiều địa phương khác nhau, trong đó có gian hàng của Nhật, Hàn quốc, Singapore…
Trong thời gian Lễ hội, cùng với hàng trăm loại bánh dân gian, bánh xèo là một món bánh truyền thống lâu đời được nhiều du khách tham quan ưa chuộng.
Chảo đang nóng, chuẩn bị đổ chiếc bánh xèo (ảnh Phúc Lộc)
Từ tên gọi bánh xèo, hiện nay các nghệ nhân đã sáng tạo ra nhiều kiểu cách đa dạng như bánh xèo chay, bánh xèo bột gạo lức, bánh xèo mi ni, bánh xèo Mười Xiềm…Chỉ nội nhưn (nhân) bánh xèo cũng chia ra hàng chục cách gọi khác nhau: bánh xèo nhưn tôm, tép, thịt; bánh xèo nhưn củ sắn; bánh xèo nhưn cổ hủ dừa; bánh xèo nhưn thịt vịt xiêm bằm, bánh xèo nhưn hến, nhưn ốc gạo…Nhưng dù kiểu cách thế nào, ăn bánh xèo nhất định cũng phải có rau tươi. Có thể nói các loại rau ăn kèm với bánh xèo hiện nay có đến vài chục loại, từ rau rừng, rau vườn cho đên rau trồng.
Chiếc bánh xèo kỷ lục có đường kính 1,9 mét làm bằng bột trộn sẵn Mikko. (ảnh Phúc Lộc).
Rau chuẩn bị dùng với chiếc bánh xèo khổng lồ. (ảnh Phúc Lộc).
Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ là một trong những sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng được tổ chức hàng năm tại Cần Thơ nhằm mục đích giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng được làm từ gạo, nếp, bột gạo, bột nếp và các loại rau, củ, quả, đậu, mè…giúp cho người dân Việt Nam và bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực của người Việt.
Từ mục đích, ý nghĩa đó, tại Hội bánh dân gian lần này đã có một gian hàng đặc biệt trình diễn nghệ thuật đổ chiếc bánh xèo kỷ lục làm bằng bột trộn sẵn Mikko. Muốn thực hiện chiếc bánh xèo nầy, các nghệ nhân phải dùng cái chảo có đường kính 1,9 mét, 6kg bột và 8 kg nhưn. Bánh khi đổ xong, hấp chín, giở nắp ra trông rất ấn tượng và toàn chiếc bánh sẽ bốc lên một mùi thơm ngạt ngào, có thể phục vụ cho khoảng 30 người ăn.
Với sự khéo léo, tài hoa của mình, nhiều nghệ nhân đã nâng cao giá trị chiếc bánh xèo truyền thống và ngày càng phát huy các loại bánh dân gian, góp phần nâng cao chất lượng và thúc đầy mối quan hệ hợp tác giữa các nghệ nhân với nhà hàng, khách sạn, quán ăn trên bước đường hội nhập.
XEM THÊM>>
Độc đáo bánh hẹ trong Hội bánh dân gian
Vui lòng nhập nội dung bình luận.