Chiếc cầu ao nhỏ (Ảnh: Đinh Huyền)
Tuổi thơ của mấy chị em tôi lớn lên bên chiếc cầu ao nhỏ bé, sang bên kia là con đường cái nơi có những chuyến xe ngược lên vùng biên cương Tây Bắc.
Chẳng biết ngày đào ao lấy đất đắp nền nhà, ông bà tôi đã lựa thế nào mà chiếc ao có hình tròn khá đẹp mắt. Khi trèo lên cây bưởi đào nhìn xuống, mặt ao xanh trong như chiếc gương soi bầu trời xanh phơ phất những cánh chuồn bé nhỏ chấp chới toan đậu xuống bóng cành trúc trên mặt nước.
Có những trưa hè oi ả, ngồi bên cầu ao rửa bát dưới bóng cây, ngắm những đàn cá nhỏ tung tăng thấy một cảm giác mát rượi, thanh bình. Chiếc cầu ao bé nhỏ do ông tôi làm từ những cây tre trong vườn. Mùa mưa, cầu ao ngập trong nước mưa đục ngầu, mùa hạ là nơi mấy chị em tôi ngồi câu những con cá nhỏ hay lừa bắt những con chuồn kim sặc sỡ.Bà tôi thường bảo cầu ao là nơi gắn với những đôi tay cần mẫn rửa bát, vo gạo một thời. Nay các nhà có nước giếng khơi, nước máy thì không còn ai trong làng giặt giũ bên cầu ao nữa, nhưng đó vẫn là nơi bọn trẻ năng ra nhất. Hẳn thế, những hôm trốn ngủ trưa, tôi thường ngắm những cư dân đặc biệt nơi chiếc ao nhỏ bé.
Nhưng tôi nhớ nhất là khi chị về làm dâu, khi chiếc bát chị lỡ tay làm vỡ, sợ bị mẹ mắng, tôi đã nhận lỗi thay cho chị. Thế rồi những lời bảo ban ân cần, khuyên nhủ nhỏ to cũng nơi cầu ao ấy để rồi nhà cửa ấm êm, mấy anh em tôi ăn ở biết nhường nhịn nhau.
Sau này khi đưa con cái mình về đứng bên chiếc cầu ao cũ, nhìn mặt nước mùa thu, chỉ cho chúng chiếc lá vàng đưa vèo trước gió như trong thơ cũ Nguyễn Khuyến lại thấy lâng lâng một cảm xúc khó tả. Phải chăng nơi cầu ao bình dị, thân thuộc này đã thành một phần kỷ niệm khó phai trong cuộc đời mình. Để rồi mỗi khi trở lại chợt thấy ký ức ùa về với bao xúc cảm. Biết đâu mai này chiếc ao sẽ bị lấp đi, chiếc cầu ao chỉ còn là một hình ảnh trong tâm thức mình chứ không còn được đứng đây như hôm nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.