Chờ đợi nhiều phim hay về lịch sử

Thứ hai, ngày 02/09/2013 06:37 AM (GMT+7)
Bắt đầu từ tháng 9 này, hàng loạt bộ phim do Nhà nước đặt hàng để kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2014 sẽ được khởi động.
Bình luận 0
Với các khán giả yêu điện ảnh, đây sẽ là dịp để họ được thưởng thức những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng đã từng là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam.

2 phim về Bác Hồ

Trong số 5 bộ phim được khởi quay để phục vụ cho các ngày lễ lớn vào năm 2014 có 2 bộ phim về Bác Hồ, đó là phim tài liệu “Đền thờ Bác Hồ” và phim truyện nhựa “Nhà tiên tri”. Bộ phim tài liệu “Đền thờ Bác Hồ” đã được khởi quay vào cuối tháng 8 vừa qua tại khu di tích K9 (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ê kíp làm phim gồm đạo diễn, NSND Lê Thi; đạo diễn, NSƯT Lê Quỳ; NSƯT Phạm Minh Tuấn và các kỹ thuật viên của Hãng phim Hội Nhà văn.

Cảnh trong phim “Huyền thoại 1C”  - một phim về đề tài cách mạng của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.
Cảnh trong phim “Huyền thoại 1C” - một phim về đề tài cách mạng của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Nói về việc tại sao Hãng phim Hội Nhà văn lại quyết tâm thực hiện bộ phim tài liệu này, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Ngay cái tên phim đã nói lên tình cảm của nhiều thế hệ người Việt Nam đối với Bác Hồ - vị lãnh đạo vĩ đại được nhân dân tôn kính, tưởng nhớ sâu nặng. Trong những năm tháng chiến tranh, trong những điều kiện khó khăn khắc nghiệt nhất, hình tượng Bác Hồ vẫn luôn được nhân dân kính trọng và giữ gìn. Đền thờ Bác Hồ đã được dựng tại rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và trên thế giới. Trọng trách đặt lên vai những người thực hiện bộ phim này là phải thể hiện được tình cảm, lòng yêu kính của nhân dân trong và ngoài nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim tài liệu “Đền thờ Bác Hồ” là một trong những tác phẩm tiêu biểu gửi tới chào mừng những sự kiện lớn của đất nước năm 2014 - 2015. Chính vì vậy, ý nghĩa bộ phim lớn hơn nhiều so với quy mô Hội Nhà văn Việt Nam, nó có thể trở thành một tài sản quốc gia”.

Khai thác một khía cạnh khác về hình ảnh chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc là bộ phim truyện nhựa “Nhà tiên tri” mà Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam được đặt hàng, với kịch bản của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. “Nhà tiên tri” đề cập đến vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung dựa theo tư liệu từ 3 cuốn sách “Việt Bắc anh dũng” (tác giả Tân Sinh), “Giấc ngủ mười năm” (tác giả Trần Lực) và “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (tác giả T.Lan). Khởi đầu của bộ phim sẽ bắt đầu từ những ngày Bác Hồ hoạt động bí mật ở Pháp những năm 1920. Sau đó, câu chuyện tiếp tục về những ngày tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Nga vào giữa năm 1923, sang Trung Quốc năm 1924, sang Hương Cảng năm 1927, trở về Liên Xô, sang Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Xiêm… cho đến ngày Bác đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc sau hơn 30 năm xa cách.

Tái hiện lịch sử

Ngoài “Nhà tiên tri”, 3 bộ phim truyện nhựa còn lại trong danh sách các bộ phim chính thức được Bộ VHTTDL thay mặt đặt hàng cho các dịp lễ lớn khác nữa là phim “Mỹ nhân” (biên kịch Văn Lê) của Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng và phim “Những đứa con của làng” (biên kịch Phạm Dũng) do Công ty TNHH MTV Nam Phương (Hongngatfilm) thực hiện. Ngoài “Nhà tiên tri”, Hãng phim truyện Việt Nam còn được đặt hàng sản xuất bộ phim “Sống cùng lịch sử” của tác giả Đoàn Tuấn có độ dài 90 - 100 phút để chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954-7.5.2014).

Bộ phim “Mỹ nhân” của nhà biên kịch Văn Lê có đề tài lịch sử nhưng lùi xa hơn về tận thế kỷ 17, thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần. Thông tin từ Hãng phim Giải phóng cho biết đã “chọn mặt gửi vàng” kịch bản này cho đạo diễn Lê Hoàng.


Đây là một nét khá mới của việc đặt hàng sản xuất phim năm nay, vì từ trước tới nay, chỉ có các hãng phim nhà nước mới được làm phim từ tiền ngân sách, lần này, với bộ phim “Những đứa con của làng” - một hãng phim tư nhân lần đầu tiên được nhận đơn hàng này.

Trong các bộ phim đã được đặt hàng thì “Sống cùng lịch sử” là phim được khởi động sớm nhất vào đầu tháng 9 này. Theo nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nội dung chính của bộ phim xoay quanh quá trình thay đổi nhận thức của một nhóm bạn trẻ khi họ lần lượt du lịch qua những địa danh năm xưa của chiến dịch Điện Biên Phủ. Kịch bản dùng thủ pháp đồng hiện để cùng lúc kể về những sự kiện diễn ra trong quá khứ và hiện tại trên cùng một địa điểm, có thể coi như một thách thức không nhỏ với đoàn phim bởi sự khó khăn về mặt bối cảnh, hiện trạng khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ 60 năm qua đã thay đổi khá nhiều.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - người được giao làm đạo diễn cho dự án phim duy nhất về chiến thắng lịch sử của dân tộc cho biết: “Cái khó nhất vẫn là vấn đề kỹ thuật vì trình độ kỹ xảo của chúng ta chưa cao, phim về đề tài chiến tranh cần chú trọng nhiều đến hiệu quả âm thanh, ánh sáng, khói lửa, vì thế chắc chắn đoàn phim sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải thể hiện nó trên trường quay”.
Hà Thu (Hà Thu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem