Hiện nay có một số doanh nghiệp thuê lại lao động để sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, thiết bị di động (điện thoại di động). Doanh nghiệp cho rằng, việc sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, thiết bị di động chính là "sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông" - một trong 20 công việc được phép sử dụng lao động cho thuê lại theo Phục lục 2 của Nghị định 145. Liệu điều này có đúng quy định?
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết:
Cho thuê lại lao động được quy định tại Điều 52 Bộ luật Lao Động 2019:
1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định."
Có thể thấy, cho thuê lại lao động về bản chất là quan hệ ba bên: Bên cho thuê lao động (doanh nghiệp cho thuê lao động), người lao động được cho thuê lại và bên thuê lại lao động (doanh nghiệp thuê lại lao động). Để đáp ứng nhu cầu nhân sự của mình thì đơn vị sử dụng lao động có nhiều lựa chọn khác nhau và một trong các hình thức có thể đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp là thông qua quan hệ cho thuê lại lao động.
Bộ luật Lao động 2019 cũng chỉ rõ, cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động mới được thực hiện kinh doanh cho thuê lại lao động. Bên cạnh đó, cho thuê lại lao động cũng chỉ được áp dụng đối với một số công việc nhất định theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, để doanh nghiệp có thể thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động, cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động;
- Phải thực hiệp kí quỹ theo quy định của Chính phủ.
Thời hạn cho thuê lại lao động theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 là 12 tháng.
Theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 145/2020/NĐ-CP, các ngành nghề được phép thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động bao gồm:
"8. Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông
9. Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất"
Theo quy định tại Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về ban hành hệ thống ngành kinh tế, sản xuất linh kiện điện tử và sản xuất thiết bị truyền thông đều thuộc nhóm ngành Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (mã ngành 26). Trong đó sản xuất linh kiện điện tử là mã ngành 261 – 2610 – 26100, mã ngành sản xuất thiết bị truyền thông là 263 – 2630 – 26300. Hai nhóm ngành này được phép thực hiện các hoạt động sản xuất lắp ráp khác nhau.
Trong danh mục các ngành nghề được thực hiện hoạt động thuê lại lao động theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 145/2020/NĐ-CP chỉ bao gồm sản xuất lắp đặt thiết bị truyền hình, truyền thông được phép thực hiện hoạt động thuê lại lao động.
Việc gộp sản xuất lắp đặt thiết bị điện tử và sản xuất thiết bị di động vào chung một nhóm ngành là không đúng theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.