Chợ trâu, bò lạ nhất ở Hà Tĩnh, một thế kỷ mua bán bằng "mật ngữ", chốt hàng bằng đập tay

Tập Thỏa Thứ hai, ngày 30/01/2023 07:46 AM (GMT+7)
Tại Hà Tĩnh có một phiên chợ trâu bò “độc nhất vô nhị”, lạ nhất đã tồn tại gần 1 thế kỷ. Mỗi phiên chợ tập trung từ 200-300 con trâu, bò, “người mua kẻ bán” thỏa thuận với nhau bằng “mật ngữ” và chốt mua bằng cái đập tay.
Bình luận 0

Ngã giá bằng "mật ngữ", chốt hàng bằng đập tay

"Dù ai buôn ngược, bán lường/Nhớ phiên Nhe chợ cùng phường về xuôi", đây là câu ví được lưu truyền trong dân gian hàng chục năm qua khi nhắc về vai trò giao thương, buôn bán của chợ Nhe.

Theo các cụ cao niên xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), nơi đây khi xưa là thị tứ sầm uất, quanh năm tấp nập người mua, kẻ bán. 

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên, cho biết: "Khi nói đến chợ Nhe thì luôn gắn với lịch sử cầu Nhe. Cầu Nhe được thực dân Pháp xây dựng bằng bê tông cốt thép, đích thân Vua Bảo Đại trực tiếp đến làm lễ khánh thành cách đây gần 100 năm".

Mỗi tháng chợ Nhe tổ chức 6 phiên chợ trâu, bò vào các buổi sáng âm lịch như ngày mồng 2, 7,12,17, 22 và 27. Phiên chợ này vốn đã trở thành nếp sinh hoạt đặc trưng ăn sâu trong tiềm thức của bà con vùng này, là nơi để giao lưu người mua kẻ bán.

Chợ Nhe vào những ngày phiên luôn tấp nập, nhộn nhịp người bán kẻ mua. Tờ mờ sáng, những đoàn xe chở trâu, bò từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã có mặt tại chợ để sẵn giao lưu với mọi người. 

Tuy chỉ họp buổi sáng, nhưng lượng trâu bò tại mỗi phiên chợ dao động từ 200-300 con, đặc biệt những ngày cận Tết Nguyên đán lượng trâu bò đổ về đây nhiều hơn bình thường.

tan/Chợ trâu, bò “độc nhất vô nhị” ở Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Tờ mờ sáng, khắp các ngả đường, từng đoàn người dắt trâu, bò vào cổng chợ và kẻ mua người bán diễn ra náo nhiệt. Ảnh: T.T

"Chợ Nhe là phiên chợ mua bán trâu, bò lớn nhất của Hà Tĩnh, đã có truyền thống gần 100 năm. Từ điểm chợ nhỏ chỉ bán nông sản, nông cụ do bà con nhân dân trong vùng tự sản xuất và chế tác nay chợ Nhe đã trở nên sầm uất, giúp người dân địa phương phát triển các ngành dịch vụ, buôn bán tăng thêm nguồn thu nhập"-

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên.

4 giờ sáng, ông Hồ Phúc Mậu (trú ở xã Khánh Vĩnh Yên) đã mang theo 4 con bê đi quãng đường hơn 20km từ xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà đến chợ Nhe để bán. Ông Mậu, cho biết: "Nghề buôn bán trâu, bò và chợ Nhe đã nuôi gia đình tôi hàng chục năm nay, qua 3 thế hệ. 

Khi mới tuổi mười tám, đôi mươi tôi đã cùng cha đến chợ Nhe để chọn những con trâu, bò khỏe mạnh sau đó mua về để bán lại cho bà con nông dân nuôi lấy sức cày và ngược lại thu mua trâu, bò của dân để đem đến đây bán. 

Hiện nay, con trai tôi đã 18 tuổi nhưng nó có 2 năm kinh nghiệm khi theo tôi làm nghề này. Tính ra, 3 thế hệ gia đình tôi đã sống nhờ chợ Nhe".

Bật mí về cách mua bán độc lạ nơi đây, ông Hồ Phúc Mậu nói, tại chợ Nhe mọi người sẽ không nói thẳng giá mua bán, mà sử dụng "mật ngữ" bằng tiếng lóng để giữ bí mật.

Từ 1 - 10 triệu đồng, được các lái buôn thống nhất bằng các từ lần lượt như: Chách, lái, thâm, chớ, kèo, mục, tháp, bét, khươm, nạp. Còn 500.000 đồng sẽ được gọi là "kẹo", 20 triệu là "bị chục". 

"Ví dụ lái buôn muốn bán 1 con bò với giá 18 triệu đồng thì họ sẽ ra giá là "nạp bét", người mua có thể trả giá xuống 17,5 triệu đồng thì nói lại là "nạp tháp kẹo". Nếu thương lái đồng ý với mức giá trên thì sẽ đập mạnh vào tay người mua xem như đồng ý bán"-ông Mậu bật mí. 

Theo các thương lái, khi mang trâu, bò đến chợ Nhe sẽ dễ bán hơn các nơi khác. Vì nơi đây có truyền thống mua bán trâu bò gần 100 qua.Trâu, bò tại đây nổi tiếng chất lượng được lựa chọn kỹ từ nhiều tỉnh thành khắp cả nước.

Từ lâu, chợ Nhe là nơi hội tụ phường buôn bán trâu, bò tứ phương. Từ phiên chợ này, trâu, bò được đưa đi các huyện như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân…để làm giống, lấy sức kéo hay để lấy thịt. 

Ngoài ra, khi nghe tại đây có trâu, bò tốt nhiều người có thể đến từ Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình... đã tìm đến để mua.

tan/Chợ trâu, bò “độc nhất vô nhị” ở Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Toàn cảnh Chợ Nhe (Can Lộc, Hà Tĩnh) - một trong những phiên chợ buôn bán trâu, bò lớn ở Hà Tĩnh. Ảnh: T.T

Là nữ lái buôn trâu, bò duy nhất tại chợ Nhe, bà Nguyễn Thị Dung (trú tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) cho hay, hơn 10 năm trước bà đã cùng chồng đến đây để buôn trâu, bò và không ngờ công việc này đã gắn bó với bà cho đến ngày nay. 

"Công việc này vốn chỉ dành cho phái mạnh, nhưng không ngờ nó đã gắn bó với tôi hơn 10 năm nay. Nhờ nó mà tôi có thể nuôi 4 đứa con ăn học" - bà Dung nói.

Xem tướng trâu, bò kiếm tiền triệu mỗi ngày

Đến với chợ Nhe không chỉ đơn thuần là mua bán trâu, bò, nhiều người khi đến đây họ còn học hỏi kinh nghiệm chăm sóc gia súc, chọn giống hoặc tham khảo thị trường. 

Một số người đến với chợ Nhe chỉ vì thói quen, thích cảnh mua bán nhộn nhịp hoặc để chứng kiến cảnh đập tay chốt giá giữa lái buôn và người mua.

Bên cạnh đó, một vài người có tài "xem tướng trâu, bò" có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày khi giúp người mua chọn được vật nuôi ưng ý. Họ thường không mặc cả tiền công xem tướng, tùy vào lòng hảo tâm của khách hàng. 

Tuy nhiên, thường người mua sẽ trả thù lao cho các "thầy xem tướng trâu, bò" giao động từ 100.000 -150.000 đồng/lượt, nếu gặp khách "sộp" có khi được trả thù lao từ 200.000 -300.000 đồng/lượt.

tan/Chợ trâu, bò “độc nhất vô nhị” ở Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Theo ông Hồ Phúc Mậu (trú ở xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) trâu, bò được ưa chuộng nhất là “mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là giống tạp ăn, dễ nuôi. Ảnh: T.T

Ông Phạm Hùng (có kinh nghiệm hơn 20 năm xem tướng trâu, bò) bật mí, chọn được trâu, bò tốt sẽ giúp chủ nhân nuôi con vật này suôn sẻ, nếu không thì ngược lại. "Đầu tang, xoáy ốc, hàm sa. Trong 3 thứ ấy cửa nhà ra đi" đây là những tướng trâu, bò mà ông cha xưa đã dạy không nên mua. 

Mà nên mua những con có "Mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn" hay là "chân cao mình dài, đuôi bẹ dừa". Những con trâu, bò có các đặc điểm nêu trên thường hay ăn chóng lớn, ít bệnh tật, khỏe mạnh, dai sức, bền bỉ và phát triển giống tốt.

"Ngoài thuộc những câu tục ngữ mà ông cha xưa đúc kết khi nói về tướng trâu, bò, người làm nghề này phải có nhiều kinh nghiệm mới nhận định đúng được. Ví dụ chỉ nhìn xoáy bò, tôi có thể nhận ra được con này có hung dữ, ngứa sừng hễ thấy người là húc hay không, hoặc con này lười biếng chỉ thích ăn, nhác cày bừa…

Bên cạnh đó, người ta kỵ nhất là trâu cười khi soi đèn vào ban đêm hay trâu tam trinh (ba mắt - có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ ba) những con này rất hung dữ, dễ húc người. Hoặc bò bạch thiệt (lưỡi trắng, đuôi bị trắng), loại bò này yếu, bị bệnh mua về chỉ có phí tiền"- ông Hùng nói.

Ông Phạm Hùng nói thêm, ngoài xem tướng cho trâu, bò, chúng tôi còn giúp người mua xác định được giá trị của chúng, tránh bị các thương lái "nói thách" giá. Mỗi phiên chợ, tôi có thể tư vấn cho tư vấn cho 4-5 người, tổng số tiền họ "bồi dưỡng" khoảng 1 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem