Ánh nắng lấp lánh trên mặt nước sông, ven bờ, những rặng dừa nước xanh tốt, mỡ màng tiếp nối như thành luỹ. Ven bờ sông xôn xao trên bến dưới thuyền, kẻ mua, người bán các nguyên liệu từ cây dừa nước, tạo nên khung cảnh vừa nhộn nhịp vừa thanh bình, yên ả của một làng “dừa nước” ven sông.
Du khách nước ngoài với tour khám phá rừng dừa Bảy Mẫu.
Rừng dừa Bảy Mẫu thuộc địa phận xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, đang có khoảng hơn 20ha dừa nước, lâu nay đã trở thành địa điểm tham quan, trải nghiệm thú vị cho những du khách muốn khám phá vùng đất mới, với hàng nghìn lượt khách đến hàng năm.
Hiện nay, tour du lịch thú vị đang ăn khách ở Hội An có tên Hoian Ecotour thu hút rất nhiều du khách quốc tế. Giám đốc tour là anh Trần Văn Khoa (30 tuổi) ở phường Cửa Đại, TP. Hội An. Khoa xuất thân dân chài, từng là nhân viên khách sạn Victoria (Hội An).
Trên kênh Đào, các thiếu nữ với nước da bánh mật, dáng vóc khỏe mạnh, mang đậm chất ngư dân hối hả chèo khoảng 10 chiếc thúng chai, mỗi chiếc chở 2 du khách lướt qua những hàng dừa xanh ngắt, mát rượi, miệng liên tục hô to: “Ôhô! ôhô!”. Họ còn biểu diễn những động tác lắc thúng chai điêu luyện, vừa lắc vừa lay, khiến du khách vô cùng thích thú.
Anh Khoa và các tay chèo vừa đưa du khách đến rừng dừa Bảy Mẫu - vùng đặc khu 80 của quân dân Quảng Nam thời chiến tranh chống Mỹ, vừa kể cho các du khách nghe về những du kích anh hùng của rừng Bảy Mẫu đã dựa lưng vào rừng dừa chiến đấu trong đạn bom. Theo tour này, du khách được câu cá, bắt cua trong rừng dừa. Thi thoảng, du khách lội xuống bùn để thu gom rác, vớt từng chiếc bao nylon, giấy vụn...
Nằm cách phố cổ Hội An khoảng 3km, rừng dừa Bảy Mẫu từng là căn cứ địa cách mạng “bất khả xâm phạm” trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây, với hệ sinh thái độc đáo của rừng ngập mặn, là địa danh tham quan lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
|
Rời rừng dừa Bảy Mẫu, du khách tập trung lên “tàu mẹ” neo đậu gần đó để ăn trưa. Buổi chiều, họ được xem và học các ngư dân cách cầm lưới, quăng lưới và kéo lưới để bắt cá. Nhiều du khách càng tỏ ra thích thú khi đến bữa cơm, tất cả cá, cua đánh bắt được đều được đem ra, chính tay ông Việt (bố Khoa) - một ngư dân chính hiệu chế biến thành những món ăn đặc sắc.
Trao đổi với chúng tôi, Khoa cho hay, hiện lượng khách đặt tour này rất đông nên năm vừa qua anh lại vay tiếp 500 triệu đồng đóng thuyền du lịch thứ 3. Bình quân, mỗi năm Hoian Ecotour đón khoảng 4.000 khách, chủ yếu là khách quốc tế.
Từ cuối năm 2010 đến nay, đã có hơn 8.000 khách đặt chỗ “Học làm ngư dân” và kín lịch cho cả năm 2011. Do lượng khách tăng, cả gia đình Khoa đã chuyển nghề từ đi biển sang làm du lịch, và thu hút bà con làng chài cùng tham gia. Mỗi lần tổ chức đoàn tour như thế, ngư dân chèo thuyền thúng, hướng dẫn du khách đánh bắt cá được trả 100.000 đồng/người, chưa kể tiền “bo”.
Hiện nay, nhiều cư dân địa phương tỏ ra thích ứng rất tốt với việc làm du lịch qua sự liên kết với các đơn vị lữ hành, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Người dân dễ dàng nắm bắt nhu cầu của khách và đưa ra kế hoạch tham quan cho khách một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Theo thống kê, cả xã Cẩm Thanh hiện có hơn 10 hộ đã triển khai hình thức du lịch khám phá rừng dừa Bảy Mẫu.
Tiên Sa (Tiên Sa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.