Chống đói, rét cho trâu bò

Thứ ba, ngày 02/11/2010 08:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuồng trại đảm bảo diện tích đủ nuôi nhốt trâu, bò. Dự trữ thức ăn cho trâu, bò, tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến, dự trữ thức ăn cho chúng.
Bình luận 0
img
Hai bố con người Mông ở xã Lao Chải, Sapa (Lào Cai) đang cố cứu con trâu trong đợt rét 2-2008. Ảnh: Xuân Trường

Trước khi mùa đông đến

Chuẩn bị chuồng trại: Chuồng trại đảm bảo diện tích đủ nuôi nhốt trâu, bò. Kiểm tra, củng cố lại nền chuồng, mái che, tường bao quanh, đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo trong mùa đông, che chắn chuồng nuôi đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt vào làm ẩm, ướt chuồng. Dự phòng bạt, phên nứa... để khi rét đậm, rét hại dùng để quây chuồng nuôi.

Chuẩn bị thức ăn: Dự trữ thức ăn cho trâu, bò, tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến, dự trữ thức ăn cho chúng, đặc biệt là rơm, thân, lá cây ngô trong vụ thu đông, đảm bảo sao cho mỗi hộ chăn nuôi tối thiểu có 1 cây rơm.

Nghĩa là ngay trong mùa mưa, lượng thức ăn thô xanh nhiều, người chăn nuôi phải có kế hoạch ủ chua thức ăn thô xanh, dự trữ cho trâu, bò (bình quân 1 tấn thức ăn ủ chua trở lên/1 con) hoặc trồng cây ngô, cỏ đảm bảo diện tích khoảng 300 - 500m2/con.

img
 

Chăm sóc, nuôi dưỡng: Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng và đảm bảo sức khoẻ cho đàn trâu, bò để chống rét, chống bệnh dịch. Những trâu, bò già, yếu cần có kế hoạch nuôi vỗ béo để bán giết thịt; đối với bê, nghé cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với bệnh, dịch và giá rét trong vụ đông.

Phòng, chống bệnh dịch: Thực hiện tiêm phòng các loại vaccin phòng các bệnh truyền nhiễm cho 100% số trâu, bò, bê, nghé trong diện phải tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm (vụ xuân hè, vụ thu đông) hoặc tiêm phòng bổ sung cho trâu, bò chưa được tiêm phòng chính vụ, theo quy định. Định kỳ thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, xử lý chất thải chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Trong mùa đông, giá rét

- Khi nhiệt độ trên 120C:

Dùng phên nứa, bạt che chắn chuồng nuôi, đảm bảo không bị gió lùa, mưa hắt vào chuồng; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, giữ khô nền chuồng. Buổi tối đưa trâu, bò về chuồng.

Sau khi chăn thả về, ban đêm cho trâu, bò ăn thêm 10-15kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 7-10kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 2-3kg rơm, 1-2kg thức ăn tinh, cho uống nước ấm pha muối loãng (20-30g muối/con/ngày).

Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ cho đàn trâu, bò có sức chống rét, bệnh dịch. Tiêm bổ sung vaccin phòng bệnh truyền nhiễm cho những con trâu, bò chưa được tiêm phòng trong vụ thu đông.

Theo dõi, phát hiện và điều trị một số bệnh thường gặp như: Giun đũa, cước chân, tiêu chảy, ký sinh trùng đường máu... Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò mỗi ngày để có biện pháp xử lý kịp thời khi bệnh dịch xảy ra.

- Khi nhiệt độ dưới 120C:

Người chăn nuôi cần thực hiện dồn trâu, bò về chuồng, lán tạm. Tuyệt đối không thả rông tự do ngoài đồng, ngoài bãi chăn thả, trên rừng qua đêm. Cho trâu, bò nghỉ làm việc và cho ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, khẩu phần ăn từ 30-40kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 26-34kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 3-4kg rơm, 1-2kg thức ăn tinh, cho uống nước ấm pha muối loãng (20-30g muối/con/ngày).

Thực hiện các biện pháp chống rét cho trâu, bò bằng cách dùng chăn, bao tải khoác cho trâu, bò, hoặc có thể dùng bóng điện, đốt than củi, trấu để sưởi ấm cho trâu, bò đặc biệt là trâu, bò già, bê, nghé.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem