Chủ tịch tỉnh Bình Định: "Thay thế cán bộ không dám làm, né tránh"

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 05/06/2023 07:58 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn lưu ý, cần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nhưng cũng "mạnh tay" thay thế hoặc điều chuyển đối với trường hợp không dám làm, né tránh, đùn đẩy và thiếu trách nhiệm.
Bình luận 0

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Ngày 5/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

Ông Phạm Anh Tuấn giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, đối với các cơ quan hành chính nhà nước. 

Nhất là đối với cấp xã, kiểm tra việc chấp hành thời gian làm việc, xử lý công việc hằng ngày, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức với người dân, việc tuân thủ các quy định, quy chế và trách nhiệm nêu  gương của người đứng đầu. Từ đó, đề xuất biểu dương và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

"Hướng dẫn xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển dụng công chức theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát lại đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã trước khi luân chuyển phải thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ", ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu. 

Chủ tịch Bình Định: 'Thay thế cán bộ không dám làm, né tránh' - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Vẫn theo ông Phạm Anh Tuấn, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. 

Phân bổ nguồn lực và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ. 

Thực hiện nghiêm đạo đức công vụ, tuân thủ các quy chế, quy định, thúc đẩy và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. 

Kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm theo tuần, tháng, quý, năm, việc giải quyết công việc trong ngày không để chậm trễ, tồn đọng. 

Triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. 

"Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp xã, nhất là nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, văn bản, tài liệu. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chú trọng phát triển làng nghề, mỗi địa phương cần lựa chọn một vài sản phẩm tiêu biểu, có thương hiệu, gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch, tạo nhiều điểm đến gắn với sản phẩm phục vụ thân thiện môi trường. 

Tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. 

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể theo tuần, tháng, quý, năm và triển khai thực hiện hiệu quả. 

"Cán bộ, công chức phải có tâm huyết, đồng lòng xây dựng xã, phường, thị trấn văn minh, xanh, sạch, đẹp, thành nơi đáng sống. Làm cho dân giàu, chính quyền cơ sở vững mạnh, được nhân dân tin yêu", ông Phạm Anh Tuấn đề nghị.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định lưu ý, cần tổ chức đánh giá chất lượng cán bộ, công chức cấp xã sau khi được tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Nhất là năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

Đối với các xã, cần xác định những tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là trong phát triển nông nghiệp để định hướng cho người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản; phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường. 

Đối với các phường, thị trấn, cần chú trọng công tác quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, không gian, kiến trúc, cảnh quan; thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường. 

Quan tâm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp đảm bảo hợp lý, hợp tình, không để chậm trễ, kéo dài. 

Cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc. 

Chủ tịch Bình Định: 'Thay thế cán bộ không dám làm, né tránh' - Ảnh 2.

Bình Định yêu cầu, cán bộ công chức không có các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Ảnh: Dũng Nhân.

"Cán bộ, công chức cấp xã phải tăng cường tính tiên phong, gương mẫu; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, chuẩn mực trong giao tiếp với công dân và tổ chức. Không có các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân", ông Phạm Anh Tuấn cho hay. 

Đặc biệt, cụ thể hóa, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong từng khâu của quy trình xử lý công việc. 

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý kịp thời, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân. 

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, cần rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ không đáp ứng yêu cầu công việc. Xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. 

Ngoài ra, biểu dương, khen thưởng  đối với cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem