Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tại buổi hội thảo "Hội nhập quốc tế - Cơ hội và thách thức đối với ngành nông nghiệp" diễn ra ngày 28.5. Với sự tham gia của đại diện hàng trăm nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn TP và hơn 10 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, hội thảo lần này chính là cơ hội để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đầu tư có cơ hội trò chuyện, giao lưu, trao đổi, bàn bạc nhằm tìm ra những hướng đi mới nhằm phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Chí Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội. (Ảnh: HL)
Đặc biệt, tham gia hội thảo các đại biểu đã cùng lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và các chuyên gia kinh tế hàng đầu như TS Lê Đăng Doanh, TS Lê Hưng Quốc, TS Hoàng Thanh Vân... chia sẻ về một số giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu và tăng trưởng hội nhập quốc tế; ứng phó của ngành chăn nuôi đối với hội nhập TPP, các hợp đồng thương mại quốc tế đối với các doanh nghiệp,...
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí đã nêu ra 6 điểm mạnh, 5 điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành nông nghiệp Hà Nội. Trong đó có các vấn đề như nông dân sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, vai trò của hợp tác xã còn mờ nhạt; doanh nghiệp, thương lái vẫn chưa liên kết tạo chuỗi để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững; các kênh bán lẻ còn chưa quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm; công tác xúc tiến thương mại, quảng báo giới thiệu sản phẩm còn chưa được quan tâm đúng mức,...
Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đầu tư chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng, tìm ra những hướng đi mới nhằm phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian sắp tới. (Ảnh: HL)
Theo TS Lê Đăng Doanh, để hội nhập thành công rất cần phát triển phong trào người Việt tin dùng hàng Việt. Đối với các doanh nghiệp, cơ hội không tự đến mà họ phải nhận biết và nắm bắt, nỗ lực thực hiện bằng các hoạt động cụ thể như mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất thấp, nhập khẩu nguyên, phụ liệu thuận lợi; đa dạng hóa thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của các nước trong TPP,..
Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh, TPP là "một bông hồng có nhiều gai", thách thức sẽ xuất hiện ngay khi cam kết có hiệu lực. Dịch vụ thay vì "chọn cho" như trong WTO, TPP sẽ áp dụng nguyên tắc "bỏ chọn", tức là trừ một số lĩnh vực nhất định còn lại mở hay mở có điều kiện.
Hội thảo đã chỉ ra những tiềm năng lợi thế của mỗi đơn vị, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình liên kết, đề xuất, kiến nghị với đơn vị quản lý của mỗi địa phương. Hơn lúc nào hết, người nông dân, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận để sản xuất nâng cao sức cạnh tranh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.