“Chúng ta nên có lời xin lỗi tới gia đình các thân nhân liệt sĩ”!

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ sáu, ngày 27/07/2018 15:12 PM (GMT+7)
"Bộ Quốc phòng cần thống kế và hợp nhất 2 nguồn dữ liệu là hồ sơ quân nhân nhập ngũ và hồ sơ quân nhân hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh để điều chỉnh thông tin quân nhân - nay là liệt sĩ - cho phù hợp và chính xác từ ngày hy sinh", bà Ngô Thị Thuý Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) nhận định.
Bình luận 0

img

Bà Ngô Thị Thúy Hằng tư vấn pháp lý cho thân nhân liệt sĩ. (Ảnh: M.N)

Chiến tranh đã qua lâu nhưng nhiều gia đình vẫn đau đáu nỗi đau chưa thể tìm được mộ liệt sĩ. Bà đánh giá thế nào về công tác quy tập, giám định để xác định mộ liệt sĩ hiện nay?

- Hiện nhà nước có 2 đề án. Đề án 1237 là tìm kiếm và quy tập hài cốt giao cho Bộ quốc phòng; Đề án 150 là xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giao cho Bộ LĐTBXH. Cả hai đề án này mới được hình thành từ năm 2013 sau khi “vấn nạn” ngoại cảm đã khiến nhiều gia đình liệt sĩ lao đao.

Có thể nói cả hai đề án đều rất nhân văn nhưng chưa thực thiết thực vì nó ra đời quá muộn. Hơn nữa, theo nghiên cứu của tôi trong quá trình thực hiện đang nảy sinh khá nhiều vấn đề bất cập.

Có ý kiến cho rằng, chiến tranh đã qua đi quá lâu, giờ phần mộ, xương cốt của các anh hùng liệt sĩ hoá đất, nên kết thúc tìm kiếm, dành thời gian công sức cho việc xác định ADN, công bố danh tính của ngôi mộ còn thiếu thông tin. Bà nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy, đây chính là bất cập của 2 đề án tôi vừa nêu. Trong chiến tranh cũng có những liệt sĩ được chôn cất có sơ đồ, nhưng phần lớn là không có. Chiến tranh ác liệt, tất cả sức lực thời gian giành cho chiến đấu do vậy dù công tác tử sĩ có tốt đến đâu cũng khó mà chu toàn được.

Nhiều trường hợp trận chiến kết thúc, vừa chôn cất xong thì bom đánh vào nơi chôn, hoặc bom làm sập hầm chết nhiều chiến sĩ, hoặc không được lộ nơi chôn vì bí mật quân sự hoặc do thú rừng... Những nguyên nhân này đều khiến cho hài cốt bị thất lạc, gây rất nhiều khó khăn cho việc tìm kiếm.

Quá trình đi tìm mộ, hỗ trợ tư vấn pháp lý, giúp kết nối cho thân nhân liệt sĩ tôi thấy có liệt sĩ có sơ đồ chôn nhưng giờ cũng không xác định được tọa độ. Rồi có nhật ký đồng đội tả chi tiết nhưng giờ cảnh vật thay đổi vào tới nơi cũng không tìm ra…

Trong khi đó, cơ quan chức năng rất hy vọng vào việc xác định ADN để tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ nhưng cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi. Bởi chiến tranh qua rất lâu, trong thời gian đó xương cốt mủn đi, chất lượng xấu. Hơn nữa chiến tranh ác liệt, có những trận chiến chết vài trăm người, xương cốt bị lẫn lộn rất khó xác định, kể cả bằng giám định ADN.

Hiện nay MARIN không hỗ trợ tìm hài cốt cũng như làm giám định ADN mà chỉ hỗ trợ tìm thông tin liệt sĩ, trong đó có thể có cả thông tin về phần mộ liệt sĩ và những chính sách có liên quan. Ngoài ra hiện nay chúng tôi đang tập trung thông báo về phần mộ và trợ giúp pháp lý để các gia đình có thể nhận lại những phần mộ thiếu thông tin hoặc sai thông tin.

Theo bà, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy quá trình quy tập, giám định, đưa thông tin về phần mộ? 

- Như tôi đã nói ở trên việc tìm kiếm hay xác định danh tính hài cốt trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn, không thực tế do chiến tranh thì ác liệt, cuộc chiến lại qua đi đã lâu.

Thay vì giải mã phiên hiệu, khai quật tràn lan mộ để làm xét nghiệm ADN, tốt nhất, chúng ta nên có lời xin lỗi tới các gia đình thân nhân liệt sĩ.

Tôi cho rằng Bộ Quốc phòng cần thống kế và hợp nhất 2 nguồn dữ liệu là hồ sơ quân nhân nhập ngũ và hồ sơ quân nhân hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh để điều chỉnh thông tin quân nhân - nay là liệt sĩ - cho phù hợp và chính xác từ ngày hy sinh.

Điều này góp phần làm rõ thông tin của liệt sĩ về đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh thực tế, trường hợp hy sinh, thi hài được chôn hay không được chôn, nếu chôn, chôn tại đâu, tài liệu chôn cất còn hay không còn (sơ đồ mộ chí, tọa độ…). Đồng thời Bộ Quốc phòng cũng nên nghiên cứu sớm ban hành hồ sơ quân nhân hy sinh hoặc mất  tích tới từng gia đình liệt sĩ thông qua xã đội để gia đình liệt sĩ không mất nhiều thời gian như hiện nay.

Bộ LĐTBXH cũng cần hợp nhất nguồn thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ và nguồn thông tin mà các gia đình liệt sĩ đang hưởng chế độ tử tuất, thờ cúng; thực hiện phân loại các phần mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ. Mộ có thông tin nhưng chưa chính xác hoặc thiếu thì cần phân loại để áp dụng phương pháp thực chứng xác minh mộ hoặc ADN để xác định danh tính.

- Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem