Chương trình mỗi xã một sản phẩm-OCOP đã giúp kinh tế nghiệp Đắk Lắk tăng trưởng
Chương trình mỗi xã một sản phẩm-OCOP đã giúp kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk tăng trưởng
Ngọc Giàu
Thứ sáu, ngày 18/11/2022 14:45 PM (GMT+7)
3 năm qua, việc triển khai Chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm" (OCOP) đã thổi "làn gió mới" vào phát kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân sống ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh tỉnh Đắk Lắk.
Năm 2019, HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (ở xã Ea Wy, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk) đăng ký tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) với 2 sản phẩm là cà phê bột rang xay và hồ tiêu hạt.
Trong quá trình sản xuất, HTX chú trọng đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng và an toàn thực phẩm… Nhờ vậy, đến năm 2020, 2 sản phẩm trên đã công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Theo bà Lương Thị Oanh, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy, HTX hiện có 16 hộ thành viên, 105 hộ liên kết với vùng nguyên liệu khoảng hơn 200 ha cà phê xen canh hồ tiêu và các loại cây ăn trái khác theo tiêu chuẩn VietGap.
Trước đây, sản phẩm của HTX làm ra chỉ bán thô cho các đại lý trong vùng nên thường bị ép cấp, ép giá. Đến nay, HTX đã được một số công ty xuất khẩu cà phê, tiêu trong tỉnh thu mua với mức giá từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với giá thị trường. Đồng thời, HTX còn chế biến thành sản phẩm OCOP để bán trực tiếp đến các quán cà phê, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
"Bình quân mỗi tháng, chúng tôi bán ra 3 tạ cà phê bột, 2 tạ hồ tiêu hạt. Tổng doanh thu của các hộ xã viên tăng 20% so với trước. Có thể nói, hiệu quả kinh tế đem lại đã từng bước giúp các hộ dân yên tâm gắn bó với cây trồng đặc sản của địa phương, từ đó, tạo động lực để họ thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế", bà Vy nói.
Còn bà H'Oanh Niê Kdăm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, sản phẩm cà phê bột của đơn vị vừa được cấp giấy chứng nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và thương mại sản phẩm cà phê bột của mình trên thị trường tốt hơn. Bởi sau khi đạt chứng nhận OCOP thì giá trị của sản phẩm sẽ được nâng cao rất nhiều.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), hai sản phẩm của địa phương gồm Trà mãng cầu Bà giáo Tuyền (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại & Dịch vụ Ba Zan Đỏ) và Khô bò Phương Khuyên (hộ kinh doanh Dương Thị Phương Khuyên) vừa qua đã được gắn sao OCOP cấp tỉnh. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quảng bá các sản phẩm lợi thế của địa phương, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
"Huyện đã hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia vào OCOP thực hiện các quy trình kiểm tra về cơ sở, dây chuyền sản xuất, thiết kế bao bì, thực hiện đăng ký mã vạch, mã QR, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Chương trình OCOP sẽ hỗ trợ các chủ thể phát triển hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông thôn", lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cư Kuin chia sẻ.
Theo thống kê, đến hết tháng 8/2022, tỉnh Đắk Lắk đã có 72 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh.
Đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cho thấy, các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.